MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngày không nghỉ tại làng bánh chưng lâu đời nhất Thái Nguyên

Nguyễn Hoàn LDO | 19/01/2023 14:00

Thái Nguyên - Những ngày cận Tết này làng bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) như không có một phút nghỉ ngơi, tất bật kẻ bán người mua trên khắp các con đường, ngõ xóm. 

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách trung tâm TP Thái Nguyên chừng 10 km trở nên nhộn nhịp những ngày giáp Tết. Dù không phải làng nghề hàng trăm năm tuổi, nhưng làng nghề Bờ Đậu đã có lịch sử từ những năm 1960 với hơn 100 hộ tham gia sản xuất và được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2009.
Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà tại làng nghề Bờ Đậu lại quây quần cùng nhau gói bánh chưng để kịp giao cho khách, họ làm việc trong không khí vui vẻ, đầm ấm. 
 Khi gói, người làm bánh chưng tại làng nghề Bờ Đậu chỉ sử dụng tay mà không dùng đến khuôn để cảm nhận, điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều bằng nhau.  
Khâu lựa chọn nguyên liệu để làm ra bánh chưng tại làng nghề Bờ Đậu vô cùng tỉ mỉ, khắt khe như gạo phải sử dụng loại gạo nếp Vải - đặc sản vùng Ôn Lương (Phú Lương). Lá dong lấy từ vùng rừng núi Na Rì (Bắc Kạn). Lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng giang bánh tẻ. Điều này tạo cho bánh chưng làng nghề Bờ Đậu hương vị riêng biệt.
Gạo nếp Vải khi lấy về không ngâm nước mà sẽ đem rửa qua ba lần nước rồi để ráo, sau đó trực tiếp được đem đi gói bánh. 
Đỗ xanh đãi sạch và đồ chín sau đó cùng với thịt lợn ba chỉ tươi ngon, ướp cùng hạt tiêu được vắt sẵn thành từng phần nhỏ để cho vào giữa lòng chiếc bánh.
Bánh gói xong sẽ được đem đi luộc trong nồi điện từ 8 - 10 tiếng đồng hồ. Khi luộc phải chú ý nhiệt độ, mực nước phải đảm bảo ngập bánh và thường xuyên kiểm tra để tiếp thêm nước khi thấy nước cạn. 
Bánh luộc xong phải đem rửa qua nước lạnh, vừa để rửa sạch, vừa mục đích tạo sự chênh lệch áp suất giữa nhân bánh và bỏ ngoài, tạo cho bánh có độ chắc, dẻo hơn. 
  Từng mẻ bánh chưng sau khi được rửa sạch sẽ được xếp chồng lên nhau với mục đích để lá dong bên ngoài giữ được màu xanh, giúp chiếc bánh chưng trông bắt mắt, thẩm mỹ hơn.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, với hơn 40 năm trong nghề cho biết, điều góp phần tạo nên hương vị đặc biệt thơm ngon của bánh chưng Bờ Đậu chính là sử dụng nguồn nước suối nguồn trên núi đá phía sau làng. Đây là nguồn nước trong mát, có vị ngọt, nước đun sôi để lắng vẫn trong không có cặn bẩn.
Trong dịp Tết, trung bình mỗi gia đình trong làng nghề Bờ Đậu sản xuất và bán từ 5.000 đến 8.000 chiếc bánh chưng. Với giá mỗi chiếc bánh dao động từ 50 -70 nghìn đồng, mỗi gia đình có thể thu cả hàng trăm triệu đồng.
  Với việc khẳng định thương hiệu trong hơn 60 năm phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại, bánh chưng do người dân Bờ Đậu làm đã trở thành sản vật nổi tiếng bởi sự thơm ngon, riêng biệt gây thương nhớ và được du khách khắp nơi nhớ và tìm đến mua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn