MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những người thổi hồn vào đá dưới nắng nóng "như thiêu như đốt"

Trần Trọng LDO | 01/07/2022 09:35

Hòa Bình - Thời tiết nắng nóng cũng không ngăn được sự miệt mài sáng tạo của các nghệ nhân làm đá mỹ nghệ, qua bàn tay khéo léo, những khối đá thô sơ được tạc thành tác phẩm mang tâm hồn với muôn hình vạn trạng đẹp lạ khác nhau.

Huyện Lạc Thủy là nơi có nhiều cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ và các đồ dùng làm từ đá lớn nhất tỉnh Hòa Bình. Ảnh Trần Trọng. 
Giữa cái nắng nóng như lửa đốt, công việc bắt buộc phải làm ở ngoài trời, những người nghệ nhân vẫn cần mẫn làm việc dù cho quần áo của họ đã ướt đẫm mồ hôi.
Những ngày cuối tháng 6.2022, có mặt tại làng đá mỹ nghệ tại thôn Sỏi, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, theo ghi nhận của PV, giữa trời nắng như thiêu, như đốt nhiệt độ có thể lên tới trên 40 độ, những tiếng mài, tiếng búa chà vào những khối đá vẫn đều đều vang lên, sắc lẹm.
Ở đây, người người, nhà nhà làm chế tác đá. Họ tranh thủ lúc nông nhàn, tận dụng lợi thế núi đá của địa phương, bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, từng bước “thổi” vào viên đá vô tri những “hồn” sống động.
Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên gương mặt pha lẫn bụi đá với bụi đường, ông Nguyễn Văn Tường (56 tuổi, trú tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Gia đình tôi làm nông, tuy nhiên công việc này có thời gian rảnh nhiều nên tôi đã học thêm nghề làm đá mỹ nghệ. Nhưng vất vả lắm đặc biệt là khi thời tiết nắng như thế này, sau mỗi buổi làm việc áo tôi đều bị ướt sũng mồ hôi“.
Ngoài thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến không khí khô, bụi bẩn từ bột đá cũng từ đó tăng cao đáng kể so với ngày thường. Những người thợ ai nấy cũng đều lấm lem, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt.
Dẫu vậy, nhờ bàn tay khéo léo và sáng tạo, những tác phẩm độc đáo, mang vẻ đẹp tinh xảo vẫn ra đời liên tục nhờ sự chịu khó và lòng yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật của những người nghệ nhân này.
“Thành quả được trả lời khi một tác phẩm ra lò qua sự sáng tạo và mồ hôi công sức, được mọi người đón nhận thì đây là điều mà mọi “tác giả” đều vui sướng khôn xiết“, ông Tường cười nói.
Đặc thù công việc nặng nhọc, bụi bặm và tiềm ẩn nhiều rủi ro cao về tai nạn lao động nên những người thợ phải có sức khỏe thật tốt và chịu khó. Nhưng không vì thế mà vắng bóng những người nghệ nhân là nữ, họ tô thêm vào những đường nét uyển chuyển, mềm mại làm cho tác phẩm thêm vẻ chân thực hơn.
PV gặp anh Bùi Văn Nam (34 tuổi) khi đang thực hiện những công đoạn đầu tiên tạo hình cho chiếc bàn đá. Anh chia sẻ: “Khi được chế tác trên một tảng đá đẹp, có những nét độc lạ thì dẫu thời tiết có như thế nào cũng không quan trọng. Bởi việc định hình kiểu dáng và ý tưởng sẽ khiến tôi say mê, sản phẩm của mình mới có sự khác biệt và vẻ đẹp riêng“.
Ánh sáng chói của mùa hè không những tô lên sự cao quý của người nghệ nhân chế tác đá mà còn làm nổi bật vẻ đẹp của các tác phẩm.
Ngoài tính nghệ thuật của nghề chế tác đá, công việc này còn mang lại cho nhiều người nông dân có thu nhập ổn định, giúp đời sống ngày càng tốt hơn. Những “nghệ nhân chân đất” này luôn song song làm nông nghiệp của gia đình cùng việc chế tác đá.
Dẫu còn nhiều vất vả dưới thời tiết khác nhiệt và sự phát triển của nghề, nhưng đá mỹ nghệ ở Hòa Bình đã tạo được thương hiệu riêng về chất lượng và vẻ đẹp riêng của đá tại địa phương, đặc biệt giúp nâng cao đời sống người dân nơi đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn