MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những tuyến phố ở Hà Nội có vỉa hè mất hoàn toàn công năng

Thế Kỷ LDO | 26/02/2023 15:10
Hà Nội - Tình trạng chiếm dụng vỉa hè xảy ra ở hầu hết các quận nội thành, trong đó vỉa hè nhiều tuyến phố gần như mất hoàn toàn công năng là dành cho người đi bộ.
 Phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm) mất hoàn toàn vỉa hè "vào tay" các hộ kinh doanh, buôn bán dọc tuyến phố này. Người đi bộ bị đẩy xuống dưới lòng đường, lưu thông cùng các phương tiện giao thông.
 Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa bàn có tình trạng chiếm dụng vỉa hè phức tạp nhất Hà Nội. Nhiều vỉa hè các tuyến phố, đặc biệt khu vực phố cổ đã mất hoàn toàn công năng là dành cho người đi bộ.
 Các sạp hàng còn chìa ra hẳn lòng đường.
 "Vốn vỉa hè ở phố cổ đã rất hẹp, khi người dân bày bán hàng hóa là gần như không còn lối dành cho người đi bộ. Mình là người trong nước đôi khi còn cảm thấy phiền khi đi qua những tuyến phố này, chưa nói đến du khách nước ngoài." - chị Ngô Thị Minh Hiếu (quận Nam Từ Liêm) cho hay.
 Vỉa hè phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) cũng không còn công năng dành cho người đi bộ. Theo khảo sát của PV, ở quận Hoàn Kiếm còn các tuyến phố khác như Bát Đàn, Gia Ngư, Bát Sứ, Cầu Gỗ... cũng đang trong tình trạng tương tự.
Mới đây, quận Hoàn Kiếm đã ra quân xử lý các vi phạm liên quan đến Trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường (TTĐT, TTATGT, VSMT) bằng hình thức xử phạt (không chỉ nhắc nhở, đẩy đuổi), với phương châm "Thượng tôn pháp luật"; "Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che vi phạm". Tuy nhiên chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Vỉa hè phố đồ gỗ Đê La Thành (quận Đống Đa) nhiều năm qua mặc nhiên trở thành nơi bày bán hàng hóa của các hộ kinh doanh.
Các hộ kinh doanh bày bán hàng hóa bịt kín vỉa hè.
Người đi bộ buộc phải di chuyển dưới lòng đường. Chia sẻ với PV báo Lao Động, Tiến sĩ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho hay, việc chúng ta buông lỏng quản lý trong nhiều năm đã mặc nhiên thừa nhận việc buôn bán, mưu sinh trên vỉa hè. Chính vì vậy việc lấy lại vỉa hè bây giờ gặp rất nhiều khó khăn.
"Thành thật mà nói tôi cũng rất cảm thông với những trường hợp phải sử dụng vỉa hè làm kế mưu sinh. Chúng ta đã buông lỏng quản lý từ rất lâu nên tôi nghĩ việc giành lại vỉa hè không thể thực hiện trong ngày 1, ngày 2. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt, kiên trì. Bên cạnh đó cần phải có chính sách hỗ trợ giúp đỡ, hướng dẫn họ buôn bán ở nơi phù hợp. Khi thành phố đảm bảo những điều đó thì người dân sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ." - Tiến sĩ Phan Lê Bình chia sẻ.
Mỗi người dân đều thấy rõ những ảnh hưởng từ vấn nạn chiếm dụng vỉa hè, tuy nhiên các phương án giải quyết thời gian qua chưa mang lại hiệu quả.
Một người đi bộ giật mình né chiếc xe buýt khi đang đi dưới lòng đường phố La Thành (quận Đống Đa). Đây cũng là tuyến phố có vỉa hè không còn dành cho người đi bộ.
Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội hiện đang triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP năm 2023. Ban Chỉ đạo 197 nêu rõ quan điểm, đó là làm đến đâu dứt điểm đến đó. Người dân đang rất mong chờ vào kết quả đợt ra quân này.

3 giai đoạn triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023 của Ban chỉ đạo 197 thành phố.

- Giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28.2.2023, Thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

- Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31.3.2023, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.

Giai đoạn 3, từ ngày 1.4 - 1.11.2023, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn