MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những diêm dân làng Tam Đồng - làng muối truyền thống lớn nhất Thái Bình vẫn kiên trì bám nghề truyền thống dù tuổi đã ngoài 70. Ảnh MD

Niềm vui trên những "thửa ruộng trắng" của diêm dân Thái Bình

Mai Dung LDO | 11/06/2020 14:20
Làng Tam Đồng, xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, Thái Bình) nổi tiếng với nghề làm muối thủ công. Mặc dù đến nay, nghề làm muối dần mai một, nhưng những người dân làng Tam Đồng dù đã ở tuổi "gần đất, xa trời" vẫn thủy chung với nghề truyền thống quê hương. 
Nghề làm muối thủ công theo người dân thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải từ đời này qua đời khác. Gần 10 năm nay, nghề làm muối dần mai một, người dân Tam Đồng chuyển đổi sang nhiều mô hình kinh tế khác. Nhưng vào mùa muối, những diêm dân Tam Đồng vẫn tranh thủ vác cào, gầu nước ra đồng làm muối, như một cách níu giữ nghề truyền thống quê hương.
Từng "vào sinh, ra tử" trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, về lại địa phương, ông Phạm Văn Dâng (81 tuổi, xóm 3 thôn Tam Đồng) lại gắn bó với nghề truyền thống. Với kinh nghiệm 65 năm làm muối, ông Dâng chia sẻ: Thời điểm thích hợp làm muối là từ tháng 4 âm lịch đến hết tháng 6 âm lịch. Vào vụ muối, ngày nào ông Dâng cũng ra đồng từ 11 giờ trưa, đến chập tối mới về nhà. Công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng ông Dâng vẫn vui vì càng lao động càng cảm thấy khỏe hơn. 
Những người làm muối làng Tam Đồng hiện nay phần lớn là người già, cao tuổi. Bà Tạ Thị Đoàn, 70 tuổi tâm sự, nghề làm muối theo bà Đoàn từ khi còn nhỏ tuổi, nên mỗi công đoạn để cho ra hạt muối trắng ngần in sâu trong tiềm thức của bà Đoàn. Từ công đoạn múc nước biển dẫn vào khe giữa ruộng cát. Nước biển theo đó thẩm thấu vào luống cát giống. Sau khoảng nửa ngày, khi ruộng cát chuyển màu sẫm do lớp muối bám chặt, người dân bắt đầu gom cát lại, lọc cùng nước biển. Sau đó là công đoạn phơi nước chạt, thu hoạch muối... 
Nghề làm muối vất vả, thu nhập thấp, lại canh cánh nỗi lo không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Người dân trong làng cũng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, làm men rượu, đi phụ hồ.. Bàn tay xúc từng xẻng cát vào bể lọc, ông Lê Ngọc Hải, 65 tuổi (thôn Tam Đồng) tâm sự: "Hai năm bỏ nghề muối đi làm thuê, cuộc sống có khá hơn nhưng không lúc nào tôi không trăn trở về nghề làm muối; để rồi ở tuổi 65 lại về gắn bó với nghề". 
Cả ngày vất vả trên ruộng muối, niềm vui lớn nhất của diêm dân làng Tam Đồng là nhìn lớp nước mặn bốc hơi, để lại hạt muối trắng, long lanh dưới nắng hè.
Người dân nâng niu thành quả lao động sau nhiều giờ miệt mài dưới cái nắng gắt. 
Cuối ngày, bà Nguyễn Thị Thành (55 tuổi) phấn khởi gom muối chất lên xe. "Cả gia đình 4 anh chị em đều làm muối, mỗi ngày chất đầy xe muối, chúng tôi thu được 350.000 đồng. Thu nhập chẳng đáng là bao nhưng niềm vui lao động lại không thể đếm được" - bà Thành cho biết.
Diêm dân phấn khởi kéo xe muối chở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Muối thành phẩm được thương lái thu mua với giá 2.000 -2.500 đồng/kg, 
Giữa cánh đồng muối, bà Tạ Thị Đoàn, 70 tuổi tìm bóng mát để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Bà Đoàn tâm sự, con cái giờ cũng đã lớn, muốn mẹ nghỉ ngơi cho đỡ vất vả, nhưng bà Đoàn vẫn không ngày nào bỏ ruộng. Bởi lẽ, nghề làm muối mang lại cho bà Đoàn niềm vui khi góp phần giữ gìn nghề ông cha để lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn