MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 330 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày. Ảnh: NT

Ninh Bình: Nhiều xã nông thôn mới đối mặt với ô nhiễm môi trường

DIỆU ANH LDO | 24/11/2021 07:50

Ninh Bình - Hiện mỗi ngày trên địa tỉnh Ninh Bình có gần 330 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải tại khu vực nông thôn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt tại những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng rác thải vẫn vứt tràn lan ra đường, gây ô nhiễm môi trường.

Xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, kể từ đó đến nay người dân nơi đây phải chịu khổ vì mùi hôi, thối nồng nặc từ rác thải sinh hoạt… Ảnh: NT
Ông Đỗ Hồng Quang (xóm Xuân Lai, xã Gia Tiến) cho biết: Tôi thường đi qua đoạn đường này, rác thải tập kết hết về đây gây ô nhiễm nặng. Rác đổ tràn lan ra đường không chỉ bốc mùi hồi thối, gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến việc đi lại của chúng tôi gặp khó khăn. “Bãi tập kết rác nằm trên đường bê tông, xung quanh là vùng đồng ruộng chiêm trũng, mỗi khi có cơn mưa lớn, nước thải chảy trực tiếp xuống kênh mương, đồng ruộng của người dân… rất là bất cập” - ông bức xúc. Ảnh: NT
Theo ghi nhận của PV Lao Động, không chỉ tại xã Gia Tiến mà nhiều địa phương khác ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, nhiều xã dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như xã Gia Tiến, xã Gia Vân, xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn), xã Khánh Công, xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh), xã Cúc Phương (huyện Nho Quan)... nhưng đến nay vẫn chưa có bãi chôn lấp, tập kết rác tập trung, rác vẫn được người dân tùy tiện vứt tràn lan ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NT
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó chủ tịch xã Gia Tiến cho biết: Hiện xã vẫn chưa có bãi chôn lấp hay bãi tập kết rác tập trung nên người dân cứ tiện đâu thì đổ đấy. “Việc xử lý rác thải hiện nay xã đã ký hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt mỗi tuần 1 lần sau đấy vận chuyển đi nơi khác để xử lý. Đồng thời, dưới các thôn có thành lập tổ thu gom rác thải, với mức thu 6.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân không nộp tiền, nên lén lút đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường" - ông Hòa nói. Ảnh: NT
Người dân thường xử lý rác thải theo thói quen thủ công lâu nay là đốt tại chỗ. Ảnh: NT
Nhiều xã ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không chỉ phải đối mặt với ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi mà còn phải đối mặt với ô nhiễm khói bụi từ các làng nghề thủ công, như tại làng nghề đá (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư). Ảnh: NT
Ông Lê Hùng Thắng, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Bình cho biết: Cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, các công trình xử lý rác thải đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và là nhu cầu thiết yếu để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Ảnh: NT
Cũng theo ông Thắng, để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%; 100% các thôn, xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025; cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng các lò đốt rác đang hoạt động tại các huyện Yên Khánh và Kim Sơn; tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở rác chuyên dụng đủ năng lực vận chuyển cho tất cả các huyện, thành phố; xây dựng các khu xử lý rác thải theo quy hoạch, có công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp còn dưới 20%. Ảnh: NT

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn