MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗ lực phi thường của người phụ nữ dùng một tay hớt tóc

Tú Nhàn LDO | 27/11/2020 15:03

Tai nạn giao thông cách đây 4 năm khiến chị Lê Thị Kim Trâm (41 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) mất đi một cánh tay. Không vì thế mà khuất phục số phận, chị Trâm tự mình luyện tập để có thể sử dụng 1 tay hớt tóc điêu luyện.

Căn nhà trọ của chị Kim Trâm nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Cừ (phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM). Đây là nơi ba mẹ con chị sinh sống lâu nay và cũng chính nơi đây, tiệm hớt tóc nhỏ của chị Trâm hằng ngày vẫn đều đều chạy âm thanh của chiếc tông - đơ, vật chị dùng để làm nghề hớt tóc, kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.
Khách của chị Trâm đã quen với hình ảnh người phụ nữ chỉ có một tay nhưng hớt tóc chuyên nghiệp như những người lành lặn. "Khi xưa hớt tóc tôi sẽ dùng 2 tay, 1 tay dùng kéo và 1 tay dùng tông - đơ. Đến khi mất 1 tay rồi thì tôi phải tập mất một năm mới dám mở lại tiệm. Dùng tay nhiều quá nên tối đến cánh tay của tôi đơ ra, mỏi nhừ" - chị Trâm tâm sự.
Ông Ngô Hữu Thành (55 tuổi) là khách hàng quen của chị Trâm. Mỗi tháng ông đều đôi lần ghé đến quán để chị Trâm hớt tóc, cạo mặt. "Tôi rất ưng ý cách tiếp xúc với khách và tay nghề của cô Trâm. Những lúc thấy thương gia cảnh, tôi gửi thêm 5 - 10 nghìn để các cháu ăn quà nhưng cô Trâm chỉ lấy đúng giá chứ nhất quyết không nhận. Người nghị lực như cô Trâm rất hiếm, tôi cũng hay kể cho các con nghe về hoàn cảnh của cô Trâm để các con học hỏi" - ông Thành nói.
Sau khi bỏ chiếc tông - đơ, chị Trâm dùng kéo thuần thục để tiếp tục hoàn thiện phần cắt tóc cho khách.
Vì chỉ có một tay nên chị Trâm thường nhờ thêm đôi chân để làm một số việc. Khi thay lưỡi dao cạo, chị Trâm phải đặt dao xuống ghế, dùng một chân cố định dao và dùng tay để thay dao lam.
Nghi Nghiêm là tên tiệm hớt tóc nhỏ, cũng là tên của hai đứa con của chị Trâm. "Lúc nằm ở bệnh viện, không còn cánh tay tôi từng nghĩ đến việc tự tử nhưng nhìn thấy con thơ thì đã quyết chí đứng lên. Từ đó, tôi đổi tên tiệm hớt tóc thành tên hai con và lấy đó mà phấn đấu. Con tôi rất ngoan và nghe lời. Mỗi khi mọi người nhắc đến mẹ thì chúng rất tự hào" - chị Trâm kể.
Không chỉ hớt tóc, mọi sinh hoạt hằng ngày chị Trâm đều tự tay làm. Cắt rau, củ, quả chị đều dùng bằng chân. Lúc đầu, chị thường xuyên bị dao cắt vào chân nhưng khi dần quen, chị có thể tự nấu ăn thành thục.
“Nấu ăn bằng chân có thể chậm hơn nhưng tôi vẫn làm tốt được. Vì nấu bằng chân nên bàn ghế tôi đều dùng loại của trẻ em để ngồi trên ghế và đặt được chân lên” - chị Trâm nói.
Phút hiếm hoi trong ngày, chị Trâm thường ngắm mình trong gương.
Công việc cả ngày bận rộn nhưng thu nhập vẫn thiếu trước hụt sau. Chị Trâm luôn tự trấn an mình phải lạc quan bước tiếp. "Hai đứa trẻ đi học, rồi tiền chợ, tiền phòng đè nặng khiến nhiều lúc tôi muốn buông xuôi nhưng tự dặn lòng phải cố gắng dù có khó khăn thế nào" - chị Trâm cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn