MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi ám ảnh mang tên “địa ngục trần gian” ở Phú Quốc

Nguyên Anh - Tạ Quang LDO | 01/05/2022 10:56

Kiên Giang - Những hình thức tra tấn dã man, những hiện vật chiến tranh còn sót lại, những chứng tích nơi Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam tại Phú Quốc vẫn còn đó như một quyển sách “sống” mang tên “địa ngục trần gian”.

Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam tại Phú Quốc (gọi tắt là Nhà tù Phú Quốc) luôn là điểm thu hút một lượng lớn du khách tìm đến. Nơi đây từng có hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man. Trong đó, có hơn 4.000 chiến sĩ kiên trung đã anh dũng hi sinh.
Nhắc đến nhà tù Phú Quốc là nhắc đến những câu chuyện ở nơi “địa ngục trần gian” vì những hình thức tù đày, tra tấn chiến sĩ cách mạng vô cùng dã man, tàn khốc.
Chỉ qua những mô hình phục dựng, những câu chuyện kể từ thuyết minh viên du khách đã vô cùng xúc động vì những gian khổ, hi sinh mà những người tù cách mạng kiên trung đã trải qua.
Những tội ác của thực dân và đế quốc không chỉ biểu hiện bằng dùi cui, báng súng, mũi giày,… mà còn là những hành động tàn bạo như: giam nhốt “chuồng cọp”, lộn vỉ sắt có mấu, đánh bằng chày vồ, đánh bằng roi cá đuối, nhốt trong thùng tôn…
Quân Nguỵ đã áp dụng trên 45 hình thức tra tấn tù binh từ thời trung cổ cho đến hiện đại. Mục đích của chúng nhằm phát hiện tổ chức, người lãnh đạo, chủ trương vượt ngục và ép buộc tù binh vào trại sinh hoạt.
Từng mét đất đường hầm được các chiến sĩ bí mật đào để vượt ngục chỉ bằng những chiếc muỗng ăn cơm hay bất cứ thứ gì có thể qua mắt được bọn cai ngục.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thoa, thuyết minh viên của nhà tù Phú Quốc chia sẻ: “Ngoài hơn 4000 tù binh bị sát hại trong thời gian hơn 5 năm tồn tại của nhà tù, những hình thức tra tấn dã man này được minh chứng bằng những hố chôn tập thể hàng nghìn người và những chiếc đinh 8 đến 12 phân còn găm ở xương đầu, ống chân, bàn chân, đầu gối, cánh tay… trong các hài cốt được tìm thấy”.
Chị Lâm Thanh Kiều, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Ông nội tôi từng bị bắt giam ở đây, khi nghe những chuyện ông kể lại tôi bàng hoàng không nghĩ rằng lại có những cách tra tấn người tàn ác đến như vậy và hôm nay đến thăm nhà tù trực tiếp nghe và nhìn thấy hình ảnh ở đây tôi thấy nghẹn đắng. Lời kể của ông về cảnh tra tấn dường như hiện ra trước mắt tôi vô cùng rõ ràng”.
Có những người mãi nằm lại nơi đây, có những người may mắn sống trở về nhưng dù ở đâu có lẽ nỗi ám ảnh vẫn còn đọng lại trong mỗi người, trong những hình ảnh, câu chuyện lịch sử.
Những hiện vật này đã gỉ sét, hao mòn nhưng cái cách mà chúng được dùng để tra tấn những người tù thì mãi mãi không bao giờ phai.
Năm 2015, Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam tại Phú Quốc đã nhận bằng công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia. Những hình ảnh được tái hiện lại bằng mô hình kết hợp những câu chuyện lịch sử đã trở thành một nét riêng mà du khách nào cũng muốn một lần đặt chân đến tìm hiểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn