MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi ám ảnh quay quắt kéo dài nhiều thế hệ mang tên "chất độc da cam"

Duy Hiệu – Minh Hoàng LDO | 25/11/2017 07:30

Trong chiến tranh, sự tàn phá về vật chất và con người là điều không thể phủ nhận nhưng hậu quả mà nó để lại còn nặng nề hơn rất nhiều, đôi khi còn dai dẳng đến tận ngày nay. Chất độc màu da cam là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Gia đình bà Đỗ Thị Xúi (Võ Lao, Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội) chịu ảnh hưởng của thứ chất độc dioxin này qua hai thế hệ con và cháu.

Bà Xúi có 8 người con trong đó có 3 người bị di chứng chất độc màu da cam. Người con trai cả mất cách đây chưa lâu, còn chị Nguyễn Thị Đượm mắc bệnh tâm thần, anh Nguyễn Văn Thêm tâm trí không ổn định vẫn sống với mẹ già. Đến những đứa cháu nội của bà Xúi cũng bị ảnh hưởng bởi thứ chất độc này khi chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ.
Ở cái tuổi xế chiều 70 bà Xúi nghẹn ngào: “Từ khi lấy chồng, đời tôi khổ lắm! Ông nhà thì kỹ tính, đẻ được mấy đứa con không bình thường nên ông hắt hủi. Một mình ông sống gian nhà trên, để lại một mình tôi sống với chúng nó”.
Chị Nguyễn Thị Đượm (31 tuổi) vừa có đứa con 1 tuổi thì đột nhiên mắc bệnh tâm thần. Kể từ đó chị lại sống chung với mẹ. Mọi hoạt động từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều gói gọn trên chiếc giường một ở góc nhà. Đôi khi chị còn có những hành động kì quặc như cười khanh khách, nói một mình, …
Tường nhà cũ nát chi chít những hình thù loằng ngoằng từ các thế hệ già trẻ trong nhà.
Người con trai thứ ba là anh Nguyễn Văn Thêm năm nay đã 42 tuổi, bố của 5 đứa con nhưng trí tuệ không như người thường. Lúc vui thì cười nói cả ngày, lúc buồn thì chửi bới vô cớ rồi tự nhốt mình trong phòng không ăn không uống, không nói chuyện với ai kể cả vợ con.
Trong những người con của anh Thêm thì cậu bé Nguyễn Văn Tư là không may mắn nhất, sinh ra đã bị câm và mắc bệnh chậm phát triển. Mặc dù gần 10 tuổi nhưng em chưa nhận thức được nhiều, điển hình là việc vệ sinh…
Cứ một lúc, Tư lại ướt sũng chiếc quần mẹ em vừa thay, nên không nhiều khi thấy em mặc.
Mẹ bận việc đồng áng, bà lại lo chăm cô út nên cả ngày gần như là thời gian hai bố con chăm nhau.
Chị Đỗ Thi Phương, mẹ Tư lạc quan: “Thằng bé nó như thế nhưng tôi vẫn thấy may chán. Ở làng bên còn có đứa chẳng đi đứng được ấy, đây Tư nhà tôi biết tự xúc lấy mà ăn cơ mà”.
May mắn hơn hẳn bốn người anh là đứa con gái út tên Năm. Cô bé lanh lợi, hoạt bát nên em là đứa duy nhất được cắp sách đến trường, bắt đầu học từng con chữ, đếm từng con số như bao bạn bè đồng trang lứa.
Tư và cả gia đình là đại diện của những mảnh đời bất hạnh, chịu nỗi đau dai dẳng do chiến tranh để lại. Tuy nhiên họ vẫn tồn tại giữa cuộc đời này như muốn khẳng định rằng gia đình là sức mạnh chiến thắng mọi nỗi đau mất mát. Mọi người, mọi thành viên nương tựa vào nhau, cùng nhau chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời, để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc. Có lẽ với họ đây mới là điều đáng quý nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn