MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi lo chuyển đổi mô hình kinh doanh của các "vựa" than tổ ong

Minh Ánh LDO | 20/12/2020 07:00
Tính đến nay, khi sắp đến hạn phải loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, nhiều hộ kinh doanh sản xuất than đang đứng trước nỗi lo chuyển đổi mô hình kinh doanh mới phù hợp hơn với văn minh đô thị.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có rất nhiều các cơ sở sản xuất than tổ ong, thường tập trung đông nhất ở các khu vực Ngọc Thuỵ - Long Biên, Yên Viên - Gia Lâm, Cảng Hà Nội,.... Tại đây có nhiều hộ, công ty sản xuất than lớn nhỏ, có những hộ gia đình nhỏ một ngày cũng sản xuất đến hàng nghìn viên.
Từ khi chỉ thị số 15 của UBND TP. Hà Nội có hiệu lực, trên địa bàn thành phố Hà Nội số lượng các hộ kinh doanh dịch vụ dùng bếp than tổ ong đã giảm đi đáng kể. Người dân dần chuyển sang sử dụng bếp ga, bếp điện thân thiện hơn với môi trường, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh than tổ ong cũng giảm đi đáng kể.
Hộ kinh doanh của chị Thơi sản xuất than đã hơn 30 năm nay. Chia sẻ với phóng viên, chị cho biết số lượng than hiện tại cơ sơ của chị sản xuất đã ít đi rất nhiều so với trước đây. Có thời điểm 2, 3 năm trước cơ sở của chị có thể sản xuất cả trăm nghìn viên trong một tháng, một ngày bán được 2-3 nghìn viên. Thế nhưng hiện tại gia đình có lẽ chỉ bán được vài trăm viên trên một ngày, cả tháng cơ sở chỉ hoạt động sản xuất 10-15 ngày. "Trước một đống than này có khi chỉ mất nửa tháng là hết, thế nhưng bây giờ thì khéo khi từ đầu năm đến cuối năm mới hết".
Bên cạnh việc làm ruộng, đây cũng là công việc có thu nhập chính của gia đình chị. Chị trăn trở, “Giờ ngoài làm cái nghề này mình cũng chẳng biết đi làm cái gì, mình cũng có tuổi, người ta trẻ người ta đi làm công ty, mình già rồi thì ở nhà làm đồng làm ruộng. Hiện tại mình sản xuất chỉ để đấy bán cho những hộ gia đình nhỏ lẻ, chăn nuôi chứ không phân phối cho nhiều nguồn như ngày xưa".
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, 45 tuổi, quê Phúc Thọ đã có 3 năm làm việc tại ở cơ sở của chị Thơi. Cũng cùng xuất thân từ người nông dân, ngoài vụ mùa bán mặt cho đất bán lưng cho trời, anh Thắng lại khăn gói sang Gia Lâm, để làm thợ sản xuất than. Tuy công việc vất vả nặng nhọc, nhưng thu nhập từ nghề này cũng đủ để anh nuôi các con của mình ăn học đàng hoàng.
Trò chuyện với phóng viên, anh Thắng bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian khi mới đi làm, cầm trên tay tháng lương 15 triệu, khiến anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng hiện giờ tháng lương của anh chỉ còn 7-8 triệu, cả gia đình 4 người lại phải nai lưng ra làm để kiếm thêm thu nhập. “Giờ mình làm chục ngày đến nửa tháng là lại về nghỉ mất mấy ngày vì bây giờ hàng nó đi chậm. Sau này mà không làm được nữa thì mình chuyển nghề khác, làm phụ xây chẳng hạn hoặc làm thợ xây.”
Thứ mà anh để tâm đến hiện giờ có lẽ là làm sao để kiếm đủ tiền để về tiêu tết. Với những người lao động xuất thân từ nông dân, anh Thắng tự nhận mình là những người còn thiếu hiểu biết, hợp với những công việc lao động tay chân.
Nên dù vất vả nặng nhọc đến đâu, anh cũng cam.
Có lẽ đối với nhiều hộ gia đình sản xuất than tổ ong, hiện tại việc chuyển đổi mô hình kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn, khi công việc lâu năm đã trở thành thói quen nên khiến những người như chị Thơi ngại chuyển đổi sang hẳn mô hình kinh doanh khác để phù hợp với xu thế.
Ông Đào Văn Sơn, cũng từng có một cơ sở sản xuất than tổ ong nhỏ. Thế nhưng kể từ khi nhu cầu sản xuất than giảm, gia đình ông đã dừng hẳn việc sản xuất than, chuyển tập trung sang kinh doanh quán game. Hiện, gia đình ông chỉ nhập về một số lượng nhỏ than tổ ong để về bán cho những người có nhu cầu ở quanh khu vực.
Thỉnh thoảng cũng có vài khách ghé qua, mua một vài đến vài chục viên. Mỗi viên chỉ có giá khoảng 2.500 đồng, nên khi nói về thu nhập từ công việc này, ông Sơn chỉ cười mà nói rằng, “mình bán cho vui thôi“.
Những người như ông Sơn, có thể có, nhưng không nhiều. Có những người vẫn là những lao động mưu sinh vất vả, dù có những người thợ coi đây là công việc thời vụ nhưng ít nhiều, nghề than cũng cho họ thu nhập ổn định một thời gian dài. Nhất là vào những dịp cuối năm, việc chuyển sang làm một công việc khác cũng là một điều khá đau đầu với nhiều người.
Từ ngày 1.1.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó có việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu. Theo đó, chắc chắn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh than sẽ còn gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, với số lượng than 528 tấn/ngày, phát thải ra môi trường 1870 tấn khí CO2, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn