MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi lo gánh nặng kinh tế "níu chân" người lao động xa quê về thăm nhà

HOÀI LUÂN - PHÚC ĐẠT LDO | 29/08/2023 06:10

Tại Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), nỗi lo gánh nặng kinh tế luôn bám víu những công nhân lao động "tha phương cầu thực" một cách dai dẳng, thiếu thốn tiền bạc khiến họ luôn phải đắn đo, e dè mỗi khi muốn về thăm quê sau những tháng ngày dài lao động vất vả.

Cuối tháng 8.2023, chúng tôi tìm đến dãy trọ địa chỉ Đội 7 thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) - khu trọ xập xệ, ẩm thấp, là nơi tá túc của hàng chục công nhân lao động làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long.
Đi sâu vào dãy trọ, căn phòng đang bật sáng đèn của gia đình anh Nguyễn Thành Luân (quê Phú Thọ, công nhân lao động tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam) khoảng chừng hơn 10m2, bên trong đã chật kín đồ đạc, còn lại 1 góc dùng để kê bàn ghế cho con học tập.
Căn phòng nhỏ này là nơi sinh hoạt của vợ chồng anh và 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học trong suốt chục năm qua.
Anh Luân chia sẻ, anh làm ở Công ty TNHH ToTo Việt Nam hơn 10 năm nay, lương hai vợ chồng từ 15 - 17 triệu đồng chỉ vừa đủ lo cho 4 miệng ăn và tiền đóng học phí cho các con. Những lúc con đau ốm, vợ chồng anh phải vay mượn thêm mới đủ trang trải qua ngày.
Cùng khu trọ với anh Luân là phòng của chị Hà Thị Liên (36 tuổi, quê Tuyên Quang, công nhân lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam).
Vì vừa sinh thêm em bé, nên với chị Liên, kinh tế trong nhà vốn đã khó nay lại càng khó thêm. Để bám trụ được ở thành phố và có tiền gửi về quê nuôi cháu lớn đang ở với ông bà, hai vợ chồng chị phải sống tằn tiện trong nhiều năm qua."Đợt trước công ty còn cho tăng ca nên chi phí trang trải trong gia đình cũng tạm đủ, nhưng giờ chỉ làm mỗi giờ hành chính nên thu nhập mỗi tháng hụt đi đáng kể, không đủ lo cho các con", chị Liên trải lòng.
Nằm ở tầng 2 của dãy trọ, căn phòng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lễ (quê Nghệ An, công nhân lao động Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam) cùng 2 con nhỏ cũng không có diện tích rộng hơn là mấy. "Mỗi lần nhớ quê, tôi và vợ có lên kế hoạch, dành dụm tiền trong nhiều tháng để có chi phí cho mỗi chuyến về quê. Về được vài lần, khi quay lại thành phố làm việc, kinh tế trong nhà cũng sụt giảm, tiền đóng học phí cho con cũng thiếu. Vì thế, giờ muốn về thăm nhà, vợ chồng tôi cũng đắn đo lắm, chỉ biết động viên nhau là chờ đến Tết rồi về sau", anh Lễ kể lại.
Anh Lễ sắm sửa đồ dùng học tập cho con trai khi chuẩn bị vào năm học mới.
“Lương của hai vợ chồng khoảng 15 - 17 triệu đồng mỗi tháng, phải nuôi 2 con nhỏ ở thành phố nên cũng hơi vất vả. Tôi chỉ mong công ty tạo điều kiện để công nhân như chúng tôi có thêm thời gian làm tăng ca, tăng thêm thu nhập mỗi tháng", anh Lễ bày tỏ.
Phòng trọ đơn giản, các vật dụng không có gì mấy giá trị của các công nhân lao động tại khu vực gần Khu công nghiệp Thăng Long.
Với nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn còn nặng trĩu, những công nhân lao động tại Hà Nội chỉ mong sao được ổn định hơn về cuộc sống vật chất. Còn chuyện hưởng thụ văn hóa, giao lưu văn nghệ cùng anh chị em công nhân, họ chưa dám màng đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn