MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề ươm tơ Cổ Chất. Ảnh: Lương Hà

Nỗi vất vả đằng sau sợi tơ óng ả ở làng ươm tơ nổi tiếng Nam Định

Lương Hà LDO | 20/05/2024 17:06

Nam Định - Làng Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) xưa nay nổi tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa. Ngày nay, Cổ Chất là một trong số ít những làng nghề còn ươm tơ theo quy trình chế biến thủ công, trải qua nhiều công đoạn vất vả.

Làng Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nằm bên dòng sông Ninh Cơ được biết đến với nghề nuôi tằm, trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng khắp cả nước.
Ông Phạm Ngọc Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định (huyện Trực Ninh) cho biết, vào thời kì hoàng kim, nghề nuôi tằm, ươm tơ Cổ Chất là nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Tuy nhiên hiện nay nhiều nhà đã gần như bỏ nghề, hiện cả làng Cổ Chất từng có cả trăm hộ nay chỉ còn có khoảng 10 hộ vẫn làm nghề.
"Để làm ra được sợi tơ thành phẩm, người làm nghề như chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Duy trì nghề, chúng tôi phải thu mua kén tằm ở khắp nơi, từ Thanh Hóa, Thái Bình, Yên Bái,... về ươm tơ kéo sợi. Quy trình ươm tơ thủ công phải tập trung cao, làm việc suốt nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày trong hơi nóng và sự ẩm ướt nên phía sau thường phải có một chiếc quạt điện để quạt bớt đi hơi nóng. Đôi mắt phải tinh, đôi tay phải linh hoạt để đảo kén, đánh mối và tỉa sợi tơ, sao cho sợi tơ thật đều, căng chắc và óng mượt, không bị quá dày hay quá mảnh" - bà Đoàn Thị Minh (người có kinh nghiệm gần 40 năm làm nghề) chia sẻ.
Những sợi tơ mỏng mảnh liên tục được kéo lên các bát tơ, khi đủ dày thì được chuyển sang guồng tơ.
Để tránh bị bắn nước vào người khi ươm tơ, những người thợ thường mặc áo mưa, đội nón suốt nhiều giờ đồng hồ.
Guồng tơ đã đủ (còn gọi là tơ sống) sẽ được đem đi phơi dưới nắng trước khi được se thành tơ thành phẩm để dệt lụa. Ông Phạm Văn Giang (chủ hộ ươm tơ làng nghề Cổ Chất) cho hay: "Tơ sống chúng tôi phơi khi trời nắng to sẽ càng óng đẹp và chỉ cần phơi 2 ngày là được, còn khi trời âm u phải phơi tơ cả tuần sẽ làm ảnh hưởng đến độ óng ả của sợi tơ. Chính vì vậy để đảm bảo chất lượng sợi tơ, chúng tôi kết hợp sấy tơ bằng đèn sưởi, vừa rút ngắn được công đoạn vừa đảm bảo được chất lượng khi thời tiết không có nắng".
Để có thêm thu nhập, ngoài việc ươm tơ, nhiều hộ dân ở làng nghề Cổ Chất còn cắt kén lấy nhộng bán, tạo việc làm cho các cụ cao tuổi trong làng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn