MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân Hải Phòng rộn ràng thu hoạch rươi đầu mùa. Ảnh: TH.

Nông dân Hải Phòng rộn ràng thu hoạch rươi đầu mùa

Thiên Hà LDO | 14/11/2022 15:59

Hải Phòng - "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm", người dân nuôi rươi ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng lại vào vụ thu hoạch rươi chính vụ.

This browser does not support the video element.

Video thu hoạch rươi của người dân Hải Phòng. Video: TH.
Cứ tầm tháng 9, tháng 10 (âm lịch), cả khu dầm rươi của người dân xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng lại trở nên rộn rã, bắt đầu vào mùa thu hoạch. "Nhưng năm nay do thời tiết thay đổi nên rươi có muộn hơn so với mọi năm" - ông Bùi Văn Huân - người có 5 năm kinh nghiệm làm rươi xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng cho biết. Ảnh: TH.
Người dân nơi đây ví rươi như “lộc trời“, hàng trăm hecta trước kia từng trồng lúa được người dân tận dụng làm nơi cho rươi sinh trưởng. Ông Nguyễn Văn Hoạt - Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) - cho biết, khu vực khai thác rươi chia làm 2 khu, là bên ngoài (hay còn gọi là bãi bồi chân sóng) với 80ha của 31 hộ và khu vực bên trong được quy hoạch vào năm 2018 gồm 130 hộ với diện tích 45ha. Ảnh: TH.
“Đầm tại đây phụ thuộc vào con nước lên/xuống của thủy triều, vì vậy khi đến dịp thu hoạch, chúng tôi canh nước, tháo cống rồi dùng lưới chặn bắt rươi dễ dàng. Nước chảy, rươi sẽ theo con nước di chuyển và chui vào túi lưới (hay còn được gọi là săm), chúng tôi chỉ việc đổ rươi từ trong túi ra” - ông Huân chia sẻ thêm. Ảnh: TH.
Người dân theo dõi con nước, kiểm tra lượng rươi vào săm, từ đó có kế hoạch xả nước. Ảnh: TH.
Theo người dân, những ngày nước lên, họ phải thường xuyên theo dõi để rút nước ra khỏi ruộng đúng thời điểm, điều chỉnh cửa xả nước sao cho con rươi có thể bật hết lên khỏi đất. Ảnh: TH.
Trước khi tháo nước, vừa theo dõi lượng rươi, người dân vừa tranh thủ vớt những con rươi to, thân căng mọng đã bật lên mặt nước. Ảnh: TH.
Tại khu vực cửa cống của đầm rươi, gia đình ông Phạm Thanh Hường - người dân xã Kiến Thiết bắt đầu đổ những mẻ rươi đầu tiên. Ảnh: TH.
“Tùy vào lượng rươi của đầm, cứ khoảng 10 phút chúng tôi đổ lưới một lần. Đổ lưới càng nhanh, rươi càng tươi và ngon bởi để lâu rươi sẽ bị dập nát” - Ông Hường nói. Ảnh: TH.
Sau khi vớt, con rươi được người dân rửa qua 2 - 3 lần nước và nhúng với nước lạnh giúp tăng thêm sức đề kháng cho rươi rồi để cho ráo nước. Ảnh: TH.
Những con rươi có màu hồng, to, béo, nhiều bột là rươi đạt chuẩn chất lượng. Điều đặc biệt đối với loại đặc sản này là rươi chỉ sinh sống ở môi trường sạch hoàn toàn và cần cải tạo mặt nước tạo môi trường tốt nhất để rươi sinh trưởng. Ảnh: TH.
Rươi sau khi để ráo nước sẽ được cân cho thương lái đến mua trực tiếp tại đầm. Ảnh: TH.
Cũng theo người dân làm rươi lâu năm, giá rươi năm nay thấp hơn so với mọi năm, dịp đầu mùa dao động khoảng 370.000 đồng - 400.000 đồng/kg. Ảnh: TH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn