MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nóng gay gắt, mặn vượt ngưỡng, tôm cua chết hàng loạt ở Kiên Giang

NGUYÊN ANH - PHONG LINH LDO | 03/04/2024 09:21

Nắng nóng gay gắt, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm trong ao nuôi quá cao cộng thêm độ mặn vượt ngưỡng đã làm tôm, cua ở huyện ven biển Kiên Giang chết hàng loạt.

Ghi nhận thực tế tại các hộ dân nuôi tôm, cua trên địa bàn xã Nam Thái A, huyện An Biên tình hình nắng nóng, nhiễm mặn đã làm tôm, cua thiệt hại nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hồ thả 20.000 con tôm giống trên 1,5ha, tới khoảng 50 ngày tuổi thì thấy hiện tượng tôm chết, nổi lờ đờ trên mặt, vớt lên thì đỏ mình, đen chân.
“Không kể năm 2015-2016 thì độ mặn năm nay thật khủng khiếp. Đo thử dưới sông, độ mặn đã lên tới 40‰, phèn nổi đầy nước”, ông Hồ ngao ngán nói.
Còn hộ gia đình ông Mạc Hoàng Đâu có 2ha nuôi tôm, cua, nhưng được hơn 1 tháng thì bắt đầu chết. "Nắng gắt, độ mặn cho phép tối đa 20‰ mà giờ tới 40‰ thì tôm, cua, cá nào chịu nổi", ông Đâu chia sẻ.
“Giờ phải vớt ra vệ sinh, làm đất lại rồi chờ mưa để rửa mặn, xử lý rong cho sạch mới có thể thả vụ mới. Xem như vụ này thất thu trắng mà còn phải tốn công sức, lậm luôn vốn bỏ ra”, ông Đâu thở dài.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Biên, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 500ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại. Diện tích thả tôm nuôi tập trung nhiều ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A… trong đó xã Nam Thái A có hơn 100 ha bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A cho biết, cũng có hộ gắng thu hoạch được một ít nhưng không thấm vào đâu, cơ bản là họ lỗ vốn. Ông Nhân chia sẻ: “Ý kiến bà con là mong các hệ thống cống ở địa bàn hoàn thiện đồng bộ để đóng mở kịp thời, ngăn mặn giữ ngọt giúp ổn định nuôi trồng, sản xuất, giảm thiệt hại”.
Đến cuối tháng 3.2024, toàn huyện An Biên thả nuôi tôm được hơn 25.600ha. Hiện tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, độ mặn tăng cao, nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt. Ông Trang Minh Tú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Biên cho biết: Năm nay theo dự báo của tỉnh cũng như khuyến cáo của ngành chuyên môn thì rất khó khăn. Ngành nông nghiệp huyện đang tập trung để ứng phó với tình huống độ mặn tăng cao, nắng nóng. Bên cạnh đó, việc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cũng làm ảnh hưởng đến tình hình nuôi tôm cua trên địa bàn.
“Ngành chuyên môn cũng tăng cường kiểm soát, lấy mẫu để quan trắc môi trường nước cảnh báo kịp thời cho bà con. Trước mắt, ngành chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật để hướng dẫn bà con cải tạo quy trình để làm sao thu hoạch kịp thời, hạn chế thiệt hại lớn. Kịp thời cải tạo và chăm sóc sức khỏe lại cho tôm để đảm bảo năng suất cũng như sản lượng”, ông Tú thông tin.
Tổ Kinh tế kỹ thuật của xã nắm tình hình nuôi tôm cua ở các hộ dân.
Mặt ao nuôi tôm đóng đầy rong đang chờ xử lý lại mới có thể thả tiếp vụ sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn