MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông sản tăng giá, bán hàng trên sàn điện tử, nông dân thoát dịch COVID-19

TRẦN LƯU - TẠ QUANG LDO | 10/10/2021 06:00

Sau thời gian khổ sở với dịch COVID-19, các địa phương ĐBSCL đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, việc đi lại, mua bán vận chuyển hàng hóa đã dễ dàng hơn, nhiều loại nông sản đã liên tục tăng giá, khiến nông dân vô cùng phấn khởi. Xa hơn, trước tác động của đại dịch, nền kinh tế nông nghiệp đã có sự “chuyển đổi số” mạnh mẽ để tiệm cận với bối cảnh công nghệ 4.0 – vốn là một xu thế không thể chối bỏ trong tương lai…

Những ngày này, nông dân ĐBSCL vô cùng phấn khởi, khi giá các loại nông sản liên tục tăng.
Ghi nhận tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long... giá rau muống và mồng tơi nông dân bán cho thương lái ở mức 6.000-7.000 đồng/kg (trước đó giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg); hành lá từ 12.000 đồng/kg, nay tăng lên 20.000-22.000 đồng/kg; xà lách 18.000-20.000 đồng/kg, đậu cove giá 10.000 đồng/kg; củ cải trắng, cà tím và đậu bắp có giá 6.000-8.000 đồng/kg…
Mức giá này đã tăng từ 1.000-10.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần. Ông Trần Văn Út, nông dân ở tỉnh Hậu Giang cho biết: “Gần đây, tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, tạo thuận lợi cho việc mua bán nông sản, nên sức tiêu thụ cũng tăng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp và vựa đã tăng cường thu mua nông sản để xuất khẩu đã tạo điều kiện cho giá nhích lên. Nông dân tụi tui rất phấn khởi khi giá liên tục tăng và dễ tiêu thụ”.
Vừa qua, tác động của dịch COVID-19 đã làm hàng trăm ngàn tấn nông sản ở ĐBSCL ùn ứ, không bán được. Giữa khó khăn đó, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản mới đã được phát huy, trong đó có việc giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; các nông dân ĐBSCL cũng tích cực tham gia các đầu mối kết nối, phân phối nông sản.
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, trong đợt dịch vừa qua, HTX đã bắt tay vào làm ra những gói “combo nông sản”, với nhiều sản phẩm kết hợp lại với nhau, như các loại mắm, khô và củ cải muối… Tùy vào mặt hàng mà mỗi gói có giá khác nhau. Tính đến nay, HTX của ông Thích đã cung ứng được khoảng 20.000 combo các loại. Ban đầu là combo giá 100.000 đồng, sau đó, nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng, nên có nhiều hơn các loại combo, với giá cao nhất trên dưới 400.000 đồng.
Đặc biệt, vừa qua Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương triển khai đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân tiếp cận với phương thức thương mại hiện đại. Các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel.
Đến nay, đã có hàng trăm ngàn tấn nông sản vùng ĐBSCL được tiêu thụ thông qua các nền tảng công nghệ, sàn giao dịch thương mại điện tử… Từ những thành công đó, nền nông nghiệp đang tiếp tục phát huy, và xem đó là hướng đi mới, tất yếu trong tình hình mới.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, thương mại điện tử là xu thế kinh doanh hiện đại, đồng thời là một trong những nội dung của chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh tận dụng nền tảng trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản, thì công nghệ thông tin còn giúp nông dân tiếp cận dữ liệu về khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm. Vì vậy, để thích ứng với chuyển đổi số, bên cạnh sự chủ động học hỏi, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn