MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động thu nhập thấp ở trong căn phòng trọ chỉ 6m2 ở phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, Ba Đình.

Ở 15m2 mới được đăng ký thường trú, tâm tư của lao động nghèo ở nhà trọ 6m2

Tùng Giang - Đinh Thiện LDO | 10/07/2023 16:57

Quy định mới về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội đang khiến nhiều người lao động thu nhập thấp lo lắng lâm vào cảnh "không chốn nương thân".

Mới đây, tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội.
Theo quy định này, diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội là 8m2/sàn/người đối với khu vực ngoại thành và 15m2/sàn/người đối với khu vực nội thành. Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại, việc quy định mới được thông qua đang khiến nhiều lao động ngoại tỉnh không đáp ứng được yêu cầu này.
Cụ thể, theo ghi nhận của Lao Động tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) – khu vực thuộc quận trung tâm Thủ đô Hà Nội nhưng tồn tại không ít dãy nhà trọ lụp xụp, xuống cấp và có diện tích nhỏ hẹp được nhiều lao động tự do ngoại tỉnh lựa chọn vì giá thuê rẻ.
Mời chúng tôi vào căn phòng trọ chỉ chừng 6m2, anh Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1975, quê Tuyên Quang, làm nghề chạy xe công nghệ) một mình tự chuẩn bị bữa cơm trưa để kịp giờ chạy xe đón khách. Anh Hòa chia sẻ, khi đọc quy định về việc diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú mới được đưa ra, anh cảm thấy lo lắng vì căn phòng trọ này anh đang ở cùng vợ.
“Bây giờ thuê một căn phòng trọ mới để đảm bảo diện tích (khoảng 30m2/2 người) cũng cần từ 3 – 4 triệu đồng/tháng/phòng. Hai vợ chồng anh không có lương và thu nhập không ổn định, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào từng cuốc xe ôm của chồng, nếu thuê phòng trọ lớn hơn thì làm sao đủ tiền sinh hoạt?“, anh Hòa băn khoăn.
Được biết, tại căn nhà trọ gồm 3 tầng này có hành lang chung chật hẹp, tất cả các phòng cho thuê đều được thiết kế theo cách tối giản diện tích bởi không gian mỗi phòng chỉ vỏn vẹn từ 5 – 8m2, không đạt tiêu chuẩn diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú theo quy định mới.
Cảnh lụp xụp, xuống cấp tại khu nhà trọ giá rẻ cho người lao động nghèo.
Ông Đào Văn Bầu (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, bản thân làm nghề tự do, vì có mức thu nhập thấp nên ông chọn một căn nhà trọ giá rẻ (600.000 đồng/tháng chưa tính tiền điện, nước sinh hoạt) để phù hợp với túi tiền vốn chẳng dư dả. Trước ông ở căn phòng trọ này cùng vợ, nhưng vì diện tích quá nhỏ nên đã để vợ về quê, một mình ông trên này gồng gánh kinh tế cho cả gia đình.
“Ở quanh đây rất nhiều gia đình đang sống cảnh chật chội như tôi. Đa số họ đều là người lao động chân tay, có người cũng chỉ mới lên Hà Nội làm việc. Quy định về diện tích nhà ở tối thiểu hiện nay đang áp dụng cho tất cả mọi người giống như nhau sẽ dẫn đến việc người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi thực tế, cực chẳng đã họ mới phải tìm đến các khu nhà trọ giá rẻ”, ông Bầu than thở.
Theo nhiều người lao động ngoại tỉnh, họ lựa chọn sinh sống trong khu vực nội thành do có nhiều cơ hội việc làm hơn, vấn đề an sinh, an ninh, tiện ích, dịch vụ trường học, y tế cũng được tốt hơn. Tuy nhiên với quy định này, việc không được đăng ký thường trú sẽ dẫn đến nhiều bất cập khi làm thủ tục hành chính như: khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp căn cước công dân… làm khó người thuê trọ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn