MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ở khu tái định cư thiếu cái ăn, dân kéo về làng cũ với nỗi lo sạt lở

HƯNG THƠ LDO | 10/03/2024 14:21

Khu tái định cư RaLy – Rào ở xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 45 căn nhà, nhưng chỉ có 2 hộ ở. Những hộ khác trở lại làng cũ sinh sống với nỗi lo sạt lở, nhưng nếu ở khu tái định cư sẽ thiếu cái ăn.

Cuối tháng 10.2020, tại tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn, trên đỉnh núi Tà Bang (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện vết nứt dài, nên địa phương đã xây dựng khu tái định cư RaLy - Rào để di dời các hộ dân ở trong phạm vi nguy hiểm.
Khu tái định cư RaLy – Rào do UBND xã Hướng Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng 45 căn dành cho 45 hộ từ nguồn vốn xã hội hóa. Dự án khởi công 1.2021, hoàn thành 8.2021 với kinh phí xây dựng 45 căn nhà 5,4 tỉ đồng; ống cấp nước và công trình nước sạch gần 1,8 tỉ đồng, đường bê tông và san lấp mặt bằng hơn 1,3 tỉ đồng.
Do khu tái định cư không có dân, nên hệ thống điện chưa được bắt vào từng căn nhà.
Ở khu tái định cư có hệ thống nước tự chảy, nhưng vào mùa khô thiếu nước. Đất ở khu tái định cư cũng khô khắt, nên cây xanh trồng đã lâu cũng không lên được.
Cả khu tái định cư có 45 căn nhà, thì chỉ có 2 căn được sử dụng. Trong ảnh là ông Hồ Văn Xể cùng vợ bám trụ tại khu tái định cư. Ở khu tái định cư mỗi hộ chỉ được cấp 300 m2 đất, xây nhà hết 30 m2, phần còn lại không thể sản xuất được gì. “Lên đây ở rất khó khăn, vì xa nơi ở cũ và không có đất để sản xuất” - ông Hồ Văn Xể nói.
2 hộ ở lại khu tái định là vợ chồng ông Hồ Văn Xể và gia đình của con trai ông Xể là Hồ Văn Phưn. Ban ngày, vợ chồng Phưn đi làm thuê, con thì gửi cho ông bà nội chăm, đến tối mới trở về. “Không biết bám trụ ở đây được bao lâu. Đất không có, mùa nắng nước không có. Mưa gió lớn thì mái tôn không chịu được, bị giật lên rồi nước mưa tràn vào” - ông Hồ Văn Xể cho biết thêm.
Các căn nhà khác trong khu tái định cư phần lớn đều khóa trái cửa. Có căn làm nơi chăn thả bò. Có căn đã xuống cấp, cửa hư hỏng.
Ở khu tái định cư có xây dựng 1 điểm trường, nhưng không có học sinh, nên đành đóng cửa, bỏ hoang.
Bà Hồ Thị Bi được cấp 1 căn nhà ở khu tái định cư nói trên. Tuy nhiên bà Bi sống nương tựa vào con cháu, nhưng con cháu lại không chịu rời làng để lên khu tái định cư, nên bà ở lại nhà cũ.
Gia đình chị Hồ Thị Hoa 5 người sống ở ngôi nhà dưới chân núi Tà Bang có xuất hiện vết nứt. Mỗi lần có dự báo mưa to gió lớn, cả nhà sẽ lên khu tái định cư để trú ẩn. Hết mưa gió thì trở về nhà. “Ở đây có ruộng, có vườn, có đất trồng sắn. Khu tái định cư cách nơi này khoảng 4km, nếu ở lại trên đó thì sẽ không có cái ăn” - chị Hồ Thị Hoa cho hay.
Ông Lê Trọng Tường - Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho hay, những ngôi nhà ở dưới chân núi Tà Bang tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở. Thế nhưng, xây khu tái định cư để đưa người dân lên ở thì chỉ có 2 hộ ở lại. “Chúng tôi đã tuyên truyền, cố gắng hỗ trợ bằng cách xây dựng thêm các công trình vệ sinh, trồng cây ăn quả... nhưng các hộ dân vẫn chọn sinh sống ở làng cũ. Tới đây, xã sẽ rà soát, tìm diện tích đất phù hợp gần khu tái định cư để cấp cho người dân” - ông Lê Trọng Tường nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn