MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ở những nơi nhân viên y tế học đường mướt mồ hôi với công việc

LỤC TÙNG - PHONG LINH LDO | 10/11/2023 10:03

Số lượng học sinh đông, công việc nhiều, thậm chí phải làm kiêm nhiệm, các nhân viên y tế học đường phải vất vả với công việc và không ít lần rơi cảnh "mướt mồ hôi"...

Bước dọc hành lang các lớp học của Trường Tiểu học "A" Tri Tôn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trước khi ghi nhận hoạt động của nhân viên y tế học đường, ấn tượng trong mắt chúng tôi là những em học sinh đáng yêu, chăm chỉ học tập ở nơi cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn.
Tại nơi này, nhiều học sinh người dân tộc siêng năng học tập như đang tạo niềm tin về một thế hệ tương lai của đất nước, phát triển song song cả trí và lực.
Chúng tôi tiếp tục tìm gặp chị Kim Lý Mone, nhân viên y tế học đường đã làm việc gần 10 năm tại ngôi trường này để hỏi thăm về công tác và sức khỏe của học sinh. Theo chị Mone, ở đây, học sinh người dân tộc rất nhiều nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em cũng vất vả. Song, các thiết bị y tế, thuốc chỉ đáp ứng ở mức cơ bản.
"Những em học sinh thường xuyên bị sốt, ho, sổ mũi, té ngã,... trong khi gia đình các em là người dân tộc, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thêm phần từ lâu không được tham dự các lớp chuyên tu, nâng cao tay nghề, tôi lo không cập nhật tình hình bệnh mới, ảnh hưởng đến các em học sinh", cô Mone chia sẻ.
Một loại thuốc thông dụng mà cô Mone thường sử dụng cho học sinh.
Cách đó không xa, Trường Tiểu học "B" Núi Tô cũng là trường học có nhiều học sinh người dân tộc nhưng từ khi trường thành lập vào năm 1999 đến nay lại không có biên chế y tế học đường. Công tác sơ cấp cứu của hơn 200 học sinh đang trông cậy vào 1 nhân viên kế toán - người không có chuyên môn về y tế.
"Chúng tôi cũng có hợp đồng với nhân viên y tế ở trạm về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nhưng họ cũng có việc và khi họ đến thì các em đã tan trường. Đầu năm học này có một học sinh bất cẩn bị chảy máu đầu, chúng tôi chỉ biết đưa em đến trạm mà không thể làm gì khác. Chúng tôi mong mỏi có được 1 biên chế nhân viên y tế học đường để các em an tâm học tập", bà Trần Thị Xinh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học "B" Núi Tô) chia sẻ.
Trên hành trình tìm hiểu cái khó của nhân viên y tế học đường, chúng tôi tìm đường Trường THCS Kim Hồng (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Chị Lê Thị Tuyền Duy, cán bộ y tế học đường, cho biết: Về thiết bị, thuốc cơ bản cũng đáp ứng nhưng do đặc thù trường học có quy mô lớn, hơn 2.000 học sinh, nên trường hợp khẩn cấp xảy ra với nhiều em khiến chị lo không xuể, thậm chí phải "mướt mồ hôi" với công việc.
"Công tác y tế học đường rất quan trọng, nhất là phải phát hiện và theo dõi các bệnh học đường. Làm nhiều đầu việc nhưng mức lương sau gần 10 năm công tác của tôi cũng chỉ hơn 5 triệu/tháng. Tôi mong muốn có chính sách phù hợp, phụ cấp và được nâng cao tay nghề để gắn bó và chăm sóc học sinh", cô Duy tâm sự.
Còn tại Trường Mầm non An Lộc (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), 2 năm nay vẫn chưa có nhân viên y tế học đường. Công việc sổ sách liên quan đều đè nặng lên vai giáo viên kiêm nhiệm Lê Thị Kim Phượng, riêng về thuốc men thì cô hầu như "không dám đụng tới".
"Tôi không có chuyên môn y tế, không biết xử trí như thế nào cho đúng chuẩn, chỉ biết sử dụng băng cá nhân cho các em học sinh bị trầy xước ngoài da. Tôi sợ khi thiếu nhân viên y tế kéo dài sẽ ảnh hưởng đến học sinh mà nhất là trường hợp khẩn cấp. Tôi mong sẽ sớm tuyển được nhân viên y tế về trường để học sinh được quan tâm phát triển song song cả trí tuệ và thể chất. Khi đó, bản thân tôi cũng an tâm cống hiến công việc của mình", cô Phượng trăn trở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn