MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phố vàng bạc đầu tiên của TPHCM sau 3 năm hoạt động giờ ra sao?

Hữu Huy - Anh Nhàn LDO | 15/08/2020 10:00

Do dịch COVID-19 cộng với biến động thị trường vàng, Phố vàng bạc đầu tiên tại TPHCM những ngày này bớt đi vẻ nhộn nhịp vốn có mà thay bằng một khung cảnh ảm  đạm hơn. 

Từ tháng 4.2017, khu vực chuyên kinh doanh vàng bạc, đá trang sức quanh chợ Hòa Bình (phường 5, quận 5, TPHCM) được chính quyền địa phương tổ chức thành tuyến “Phố vàng bạc, đá trang sức”. Đây là tuyến phố chuyên kinh doanh vàng bạc đầu tiên tại TPHCM.
Khu vực chuyên kinh doanh vàng bạc, đá trang sức quanh khu vực chợ Hòa Bình gồm các tuyến đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục, Bùi Hữu Nghĩa được hình thành từ những năm cuối thập niên 80 đến nay. 
Hiện có khoảng 55 doanh nghiệp, hộ kinh doanh các ngành nghề chủ yếu là bán buôn như vàng, bạc, đá quý, chế tác, gia công nữ trang... Theo ghi nhận của Lao Động, lượng khách hàng đến khu vực này thời gian gần đầy ít hơn nhiều so với trước. 
Bà Kim Dung (chủ cửa hàng vàng bạc tại phố vàng bạc) chia sẻ: "Mọi năm, thời điểm này tuy không phải là mùa cưới nhưng lượng khách đến tiệm mua bán vàng, trang sức rất ổn định. Năm nay buôn bán ế ẩm hơn trước rất nhiều trong khi chi phí mặt bằng, nhân công để duy trì hoạt động của tiệm thì không hề giảm. Tiểu thương chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong đợt dịch này". 
  Theo các chủ tiệm tại khu vực này, để duy trì được hoạt động, họ phải nhận thêm gia công vật phẩm phong thuỷ, trang sức vàng 10k, 14k cho khách. "Lượng khách tới mua không nhiều, chúng tôi phải nhận gia công nhiều vật phẩm khác để nhân công có việc mà làm, duy trì được cuộc sống của họ" - một chủ tiệm vàng trao đổi. 
Tại khu phố vàng bạc này, có rất nhiều trang sức vàng với mẫu mã đa dạng. Những tiệm vàng tại đây thường là "cha truyền con nối". 
Do dịch COVID-19, những cặp đôi dự định cưới đều phải hoãn lại nên các mặt hàng vàng cưới cũng ế ẩm theo.
Chị Dung (một tiểu thương kinh doanh vàng) nghĩ ra nhiều cách để "kéo" khách trong dịp này. Khách hàng đến tiệm mua vàng được chị Dung tặng kèm khẩu trang, áo mưa, vật phẩm lưu niệm là chú mèo may mắn. Ngoài ra, chị cũng cho thợ chế tác những vật phẩm theo trào lưu để thu hút người mua. 
"Những dịp này khách hàng đến trực tiếp tại tiệm không nhiều, tôi lại "bày kế" giao dịch online với khách. Rồi còn chế tác thêm nhiều mẫu mã trẻ trung, phù hợp với đối tượng mình hướng đến để duy trì được tiệm" - chị Dung cho hay.
Không chỉ hoạt động kinh tế, phố vàng bạc còn có nhiều nét văn hóa của một làng nghề truyền thống, nghề thợ bạc được kế thừa từ nghề kim hoàn của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn