MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phối cảnh nhà ga tuyến đường sắt đô thị hơn 47.000 tỉ đồng ở TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 22/06/2023 20:57

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) vừa công bố một số phối cảnh đầu tiên của các nhà ga Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) bao gồm trước khu vực Công viên Lê Thị Riêng, ga ngầm Tao Đàn, ga ngầm Phạm Văn Hai và ga Tân Bình.

Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 ở TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai vào năm 2025, trong bối cảnh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành hơn 95% và chuẩn bị đưa vào khai thác. Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích dự án cần thu hồi là hơn 251.000m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỉ đồng, trong đó, vốn ODA là 37.486,97 tỉ đồng và vốn đối ứng là 10.403,87 tỉ đồng.
Ga Tao Đàn (Quận 1) thuộc tuyến Metro số 2 có thiết kế ngầm. Về quy mô, tầng ngầm 1 là khu vực bán vé cho hành khách, khu vực thương mại, các phòng chức năng của nhà ga, hệ thống thông gió và điều hòa không khí.
Tầng ngầm 2 là khu vực bố trí hệ thống bơm nước thải, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, cầu thang bộ, cầu thang cuốn, thang máy dành cho người khuyết tật, cửa chắn ke ga dạng kín. Hình ảnh phối cảnh tầng ke ga (tầng ngầm 2).
Khu vực sảnh chờ dành cho hành khách tại ga ngầm Tao Đàn (Quận 1).
Ga ngầm Metro 2 có điểm đầu kết nối ga ngầm trung tâm tại chợ Bến Thành, sau đó tàu đi ngầm qua đường Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng 8 - Trường Chinh, điểm cuối là depot Tham Lương (nơi bảo dưỡng, đỗ, sửa chữa tàu).
Phối cảnh lối lên, xuống nhà ga ngầm Phạm Văn Hai - ga số 6 (thuộc quận Tân Bình).
Phối cảnh phạm vi xung quanh lối lên xuống ga Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Nhà ga này được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đề xuất nghiên cứu thí điểm phát triển mô hình giao thông công cộng theo định hướng TOD (Transit Oriented Developmen).
TOD đóng vai trò định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Mô hình này giúp hình thành đô thị nén dọc theo các nhà ga của giao thông công cộng; từ đó tăng cường kết nối giao thông công cộng, hành khách dễ dàng tiếp cận nhà ga.
Đồng thời, các nhà ga công cộng khi phát triển đường sắt đô thị cũng giúp hình thành các khu đô thị, làm tăng giá trị đất đai. Theo các chuyên gia, nếu triển khai tốt, nguồn thu từ đấu giá các khu đất dọc tuyến sẽ hỗ trợ vận hành hệ thống đường sắt, bù lại chi phí xây dựng rất lớn của tuyến metro. Trong ảnh là phối cảnh ga ngầm trước khu vực công viên Lê Thị Riêng (Quận 10).
Ý tưởng thiết kế nội thất - ngoại thất tàu điện Metro số 2. Dự án Metro số 2 kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, 3b, 4 và 6 (nhà ga Metro số 2 tại Bà Quẹo sẽ kết nối với tuyến số 6) tạo thành hệ thống đường sắt đô thị thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn