MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quá trình rửa mặn cát biển để đưa về công trình cao tốc

PHƯƠNG ANH LDO | 03/09/2024 13:23

Sau khi khai thác tại mỏ, cát biển sẽ được rửa nhằm giảm độ mặn sau đó mới sử dụng vào thi công.

Hiện nay tại ĐBSCL chỉ duy nhất có mỏ cát biển B1 (tỉnh Sóc Trăng) được Bộ TNMT cho phép khai thác, phục vụ các công trình trọng điểm theo cơ chế đặc thù. Trước đó vào ngày 21.6.2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Bản xác nhận khu B1.1 và B1.2 (thuộc khu B1) cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông. Ngày 29.6.2024, nhà thầu bắt đầu khai thác cát biển.
Theo Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, hằng ngày các tàu hút liên tục ra vào mỏ để hút cát. Cát được khai thác bằng cách cho các vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Việc khai thác này không tạo hố sâu nên không dẫn đến việc xói lở. Độ mặn của cát được đo tại đây từ 22-25‰.
Sau khi khai thác, cát sẽ được vận chuyển về vùng nước ngọt sông Hậu thuộc địa phận thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để rửa mặn, cách đây cách mỏ B1 khoảng 40km.
Ông Đỗ Minh Châu (áo trắng) - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho biết tại điểm sang mạn tàu, công nhân sẽ bơm nước ngọt vào tàu hút liên tục để rửa mặn cát biển. Khoang tàu có thiết kế các lỗ thủng, khi nước đầy sẽ tự tràn ra, mang theo nước mặn. Đến khi đo nước trong khoang còn 13-17‰ là đạt. Ngay sau đó, cát được bơm sang các tàu xả tràn để đưa về công trình.
Cát biển đã được rửa mặn tại điểm sang mạn tàu.
Sau khi chứa đầy cát biển, các tàu xả tràn sẽ đưa cát về công trình phục vụ thi công cao tốc tại Kiên Giang, Cà Mau với khoảng thời gian từ 32-34 giờ ( cách hơn 180km). Còn tàu hút lại di chuyển về mỏ B1.1 và B1.2 ngoài biển để lấy cát tiếp.
Khi về đến công trình, cát được bơm nước vào rửa tiếp và kiểm tra lại độ mặn trước khi bơm vào công trình. Tại Kiên Giang và Cà Mau, độ mặn nước đo tại các con sông cạnh công trình khoảng 22-27‰, cao hơn độ mặn của cát. “Cát bị xâm nhập mặn trở lại khi đó có độ mặn khoảng 20-22‰. Theo tiêu chuẩn độ mặn của vật liệu đắp là nhỏ hơn 5% (tương đương 50‰), như vậy về mặt tiêu chí cát biển đảm bảo“, ông Đỗ Minh Châu - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho hay.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, từ thời điểm khởi công (29.6) đến cuối tháng 8.2024 công suất khai thác được khoảng 6.500m3/1 ngày. Tổng khối lượng đã đưa về dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 80.000m3. Đầu tháng 9.2024, công suất tăng lên khoảng 15.000m3/ngày. Nhà thầu đang tiếp tục huy động thêm thiết bị khai thác để đảm bảo đạt được 20.000 - 30,000m3/ngày phục vụ dự án theo nhu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn