MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rác thải, sạp hàng, quán trà đá bủa vây ga Cát Linh - Hà Đông

Nhật Huy - Tùng Giang LDO | 21/11/2021 16:32
HÀ NỘI - Sau khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức  đi vào vận hành thương mại kể từ ngày 6.11, hàng loạt các dịch vụ ăn theo mọc lên, bủa vây nhiều ga của tuyến đường sắt đô thị.
Ghi nhận ngày 21.11, tại khu vực ga Văn Khê (tiếp giáp điểm cuối của tuyến đường sắt đô thị trên cao), hàng loạt quán trà đá vỉa hè, quán ăn mọc lên ngay dưới chân lối lên xuống của nhà ga. 
Qua quan sát, ga Văn Khê có diện tích rộng so với nhiều ga khác nên các hộ kinh doanh bày nhiều loại hàng hoá, dịch vụ. Từ hàng ăn vặt, quán nước, bán mũ bảo hiểm, đến dịch vụ gửi xe, xe ôm. 
Hành lang đường sắt dưới chân ga trở thành nơi đặt các sạp bán hàng mũ bảo hiểm, đồ ăn vặt. 
 Chị Lê Quỳnh Hương trú tại La Khê, Hà Đông cho biết: ”Kể từ ngày tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, lượng người dân đổ về ga Văn Khê tăng so với trước đây. Nhờ vậy, nhiều hàng quán cũng tận dụng thời gian này để kinh doanh. Hàng quán đua nhau mọc lên khiến cho khu vực trở nên lộn xộn, nhếch nhác”.
Tiếp tục ghi nhận khu vực ga Láng, người dân muốn đi tàu khó tìm được điểm gửi xe.
Bất chấp những cảnh báo về việc mất cắp xe máy, nhiều người vẫn để phương tiện ở đây.   
Không có người dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên, có thể dễ dàng nhìn thấy các vũng nước thải lênh láng bốc mùi hôi thối, thậm chí là mùi xú uế nồng năc. Anh Lương Mạnh Đông trú tại Quan Nhân (Thanh Xuân) cho biết: “Cuối tuần tranh thủ đi trải nghiệm đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đến ga Láng mình cảm thấy khá hụt hẫng, vì mức độ vệ sinh tại ga không đảm bảo. Nhiều người thiếu ý thức sẵn sàng xú uế, vứt rác bừa bãi tại chân ga”. 
 Nhiều cột trụ dọc tuyến đường sắt trên cao trở thành nơi đổ rác thải, khiến mỹ quan nhếch nhác và bẩn thỉu.
 Tình trạng chiếm dụng mặt bằng cũng diễn ra phổ biến tại nhiều nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh chụp tại Ga Thái Hà.
 Ảnh chụp dưới chân ga Yên Nghĩa.
Trước tình trạng các điểm bán hàng tự phát, chiếm dụng mặt bằng ngay ở chân các nhà ga của tuyến Cát Linh – Hà Đông, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các ga tàu kết nối chủ yếu để phục vụ hành khách, thành phố chưa cho phép mở các hoạt động kinh doanh. Việc để khu vực ga tàu nhếch nhác, hàng quán bủa vây thuộc trách nhiệm chính của các phường, quận. Để đảm bảo an toàn, tạo mỹ quan cho khu vực ga tàu điện, các quận phải nhanh chóng giải toả tình trạng này. 
Bắt đầu từ ngày 21.11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí và bắt đầu bán vé thương mại, hành khách muốn đi tàu phải mua vé. Theo đó, người dân có thể chọn mua vé theo hình thức vé lượt, vé ngày, vé tháng. Vé chặng có giá 8.000-15.000 đồng; vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn