MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây thị Cộc - một trong 17 cây thị di sản ở Núi Ngọc, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh ĐL

Rặng thị cổ Hải Phòng chín rộ, thơm lừng dịp Rằm tháng Bảy

Mai Dung LDO | 30/08/2020 14:00

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, rặng thị cổ Đồ Sơn (Hải Phòng) với 17 cây thị, tuổi đời lên đến 1.000 năm vẫn tươi xanh, cho quả vàng ươm, thơm lừng đúng dịp rằm tháng Bảy.

Rặng thị cổ nằm rải rác ở Tổ dân phố số 5, 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) với 17 cây thị tuổi đời từ hơn 300 năm đến 1.000 năm. Cuối tháng 4.2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao Bằng công nhận cây di sản - rặng thị cổ thụ tại núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên) tặng UBND quận Đồ Sơn. Ảnh ĐL.
Bà Hoàng Thị Việt, 66 tuổi (tổ dân phố số 6, phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng) chỉ tay vào cây thị cổ trước của nhà cho biết, rặng thị cổ gắn bó với tuổi thơ của bà Việt cũng như hàng nghìn người dân Núi Ngọc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thời điểm giáp Tết nguyên đán, thị rụng lá, sang xuân lại xanh mơn mởn, đơm hoa, kết trái và năm nào cũng cho quả chín đúng dịp lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy. Ảnh MD.
Theo bà Việt, người dân sống gần rặng thị cổ nhà nào nhà nấy đều "chế" cho mình dụng cụ đặc thù để vặt thị. Đó là những cây dóc, nứa dài 7-8 mét, phần bên trên tước thân thành giọ hình thoi.
Cũng theo người dân, vặt thị cũng cần có kỹ thuật, lựa quả chín nhưng không bị ong chích, không giật quá mạnh để thị bị xước, dập vỏ, không để được lâu. Ảnh MD.
Cả rặng thị hàng chục cây chín rộ vào dịp Rằm tháng Bảy nên hằng ngày, người dân địa phương dành thời gian hái thị mang ra chợ bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg. Thị được mua nhiều là thị còn hơi xanh, nhưng cũng chỉ 3-4 tiếng là chín vàng, thơm ngào ngạt. Ảnh MD.
Cuối giờ chiều, trẻ em trong xóm rủ nhau đi nhặt thị. Ảnh MD
Dưới gốc cây thị xum xuê cạnh nhà thờ dòng họ Phạm (Tổ dân phố 6 phường Ngọc Xuyên), thị chín rụng nhiều. Ông Phạm Văn Thể, 57 tuổi cho biết, trong 17 cây thị cổ, nhiều cây được mọc trong khuôn viên dòng họ Phạm. Riêng gia đình ông Thể có cây thị Cạnh tồn tại sau nhà hàng trăm năm. “Các cụ kể lại, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gốc thị là nơi ẩn nấp của quân du kích. Thời nạn đói hoành hành, người dân cũng nhờ quả thị mà qua cơn hoạn nạn“. Ảnh MD.
Cũng theo ông Thể, mỗi cây thị đều có tên gọi riêng, như thị Bà Vải, Bã Trầu, Khe, Cộc, Bài, Bảy Chồi, Cạnh, Giữa...gắn với câu chuyện của riêng nó. Từ năm 2014, những cây thị được công nhận là cây di sản, "khoác" lên mình tấm biển tên. Nhưng những người gốc sống sườn núi Ngọc, những cái tên đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ lâu. Ảnh MD.
 Yêu và tự hào về rặng thị cổ đã nuôi sống người dân địa phương từ đời này, qua đời khác, cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, người dân lại rủ nhau hái thị, chọn những trái tươi ngon nhất bày lên mâm cúng gia tiên, dâng tấm lòng thơm thảo, thành kính tới cội nguồn, dòng họ. Ảnh MD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn