MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rút giấy phép đầu tư, doanh nghiệp vẫn xẻ núi, phá đá làm du lịch

Hữu Long LDO | 26/06/2021 17:17

Công ty Hải Đăng được tỉnh Khánh Hòa cho thuê đất làm du lịch không qua đấu giá, đấu thầu. Sau này, địa phương biết việc giao đất là sai nên thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Thay vào đó, tỉnh Khánh Hòa đã ký kết một hợp đồng cho thuê mặt hồ làm du lịch. Tiếng là thuê mặt hồ nhưng chủ đầu tư vẫn cày xới, phá đá, xẻ đồi để làm dự án đã gây hệ lụy lâu dài về môi trường.

Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hải Đăng đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hải Đăng tại Hồ Kênh Hạ 1 (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang). Dự án với quy mô hơn 16ha trong đó diện tích mặt đất là 3,7ha, mặt nước hơn 13ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu du lịch sinh thái với khu vui chơi, các hoạt động cắm trại, dã ngoại...
Đến năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp liên ngành để nghe báo cáo, rà soát lại dự án. Cuối cùng, tỉnh Khánh Hòa phải thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hải Đăng là chưa đúng quy định pháp luật. Tuy vậy, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tỉnh Khánh Hòa vẫn đồng ý cho thuê lại mặt hồ Kênh Hạ 1 để làm du lịch.
Thực tế trong suốt thời gian tỉnh Khánh Hòa giao đất không đúng quy định, doanh nghiệp Hải Đăng đã huy động các phương tiện cơ giới vào phá núi, xẻ đá để lấy mặt bằng làm du lịch. Theo vị Quản lý khu du lịch sinh thái Hải Đăng, hiện tại khu du lịch thường đón từ 40-50 người/ngày. Đối với du lịch tham quan sẽ mất 50 ngàn đồng tiền phí. Riêng khách ăn uống, khách đi theo đoàn vào nhà hàng sẽ được miễn phí. "Hiện tại khu du lịch vẫn đang được hoàn thiện, vừa xây dựng, cải tạo vừa đón khách tới vui chơi, ăn uống" - nữ quản lý khu du lịch Hải Đăng nói.
Được biết, hiện tại khu du lịch sinh thái Hải Đăng không chỉ hoạt động kinh doanh trên mặt hồ mà còn tổ chức cho các đoàn khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày. Tuy vậy, khi trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Xuân Thơm - Tổng Giám đốc Công ty Hải Đăng lại cho rằng, sau này, khi tỉnh Khánh Hòa rút giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp chỉ được thuê mặt hồ, chỉ dựng chòi câu cá.
Liên quan đến việc các cấp có thẩm quyền tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án vào năm 2014 không đúng quy định, vào năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn