MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sạt lở đe dọa người dân TP Hồ Chí Minh

MINH QUÂN LDO | 24/04/2023 17:30

TP Hồ Chí Minh – Bước vào mùa mưa và triều cường, nhiều hộ dân đang sống trong phập phồng lo sợ bên những dòng sông, kênh, rạch bị sạt lở. Trong khi đó, các dự án chống sạt lở triển khai rất chậm hoặc đang "nằm trên giấy".

Tuyến kênh thoát nước Cầu Trắng chảy qua đường Tô Ngọc Vân là một trong 4 điểm sạt lở trên địa bàn phường Linh Đông (Thành phố Thủ Đức). Hiện cơ quan chức năng đã treo biển cảnh báo để người dân không lại gần khu vực này.
Trước đó, trong trận mưa lớn năm 2021, nước chảy xiết làm đoạn kè bê tông và một phần nhà dân bị sạt xuống kênh. Tuyến kênh này được xây dựng cách đây hơn 20 năm, có nhiệm vụ dẫn nước thải cho các phường trong khu vực.
Móng nhà dân bên bờ kênh bị xói mòn, hở hàm ếch, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. “Cứ mỗi lần mưa lớn, cống thoát nước lại hình thành dòng nước xoáy làm sạt lở nền nhà và nứt tường nhà. Rất mong được chính quyền địa phương gia cố lại bờ kênh để người dân ổn định cuộc sống” - Chị Lý Kim Dung (37 tuổi) chủ căn nhà 381C bị sạt lở trên đường Tô Ngọc Vân nói.
Dấu hiệu sạt lở đất vẫn chưa dừng lại, hiện nay chỉ còn hơn 1m đất nữa là sạt đến nhà dân.
Điểm sạt lở tạo thành hố rộng khoảng 3 m, dài hơn 30 m. Nhiều người thiếu ý thức đã thẳng tay vứt rác xuống đây. Toàn bộ không gian xung quanh điểm sạt lở bốc mùi hôi thối bất kể ngày đêm. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Chủ tịch UBND phường Linh Đông cho biết phường đang lên kế hoạch khắc phục sự cố sạt lở tuyến kênh Cầu Trắng trong năm nay nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Tương tự, những năm qua, cuộc sống của người dân tại khu vực hai bờ rạch Giồng Ông Tố (nơi tiếp giáp của hai phường An Phú và Bình Trưng Tây thuộc Thành phố Thủ Đức) luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ, bởi hai bên bờ rạch này thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở.
Hồi tháng 9.2021, một phần căn nhà khoảng 15m2 sát cầu Giồng Ông Tố bị sụp xuống rạch trong đêm, may mắn không gây thiệt hại về người.
Đi dọc bờ rạch Giồng Ông Tố, hàng chục ngôi nhà khác cũng đang trong tình trạng liêu xiêu chếch ra phía bờ sông, có những căn nhà hoang tàn bị đổ sập một phần công trình lộ ra phần hở hàm ếch sâu, chiều dài hai bờ rạch bị sạt lở kéo dài khoảng 1 km. Đáng nói, cách đây 4 năm, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án làm kè bảo vệ dài 77m mỗi bên mố cầu, tổng mức đầu tư hơn 46 tỉ đồng nhưng đến nay chưa triển khai.
Một căn nhà bên rạch Giồng Ông Tố bị sạt lở, nứt tường và nghiêng một phần sàn bêtông được chính quyền gắn biển cảnh báo. Toàn TP Hồ Chí Minh hiện có 32 vị trí sạt lở tại 7 quận, huyện với tổng chiều dài khoảng 18km, ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân. Thành phố Thủ Đức là địa phương có nhiều vị trí sạt lở nhất với 8 điểm, trong đó có 2 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Tiếp đến là huyện Nhà Bè và Cần Giờ đều cùng 7 vị trí; huyện Bình Chánh, Quận Bình Thạnh mỗi địa phương cũng có 4 vị trí sạt lở; còn lại là huyện Hóc Môn và Củ Chi cùng có 1 vị trí sạt lở.
Trong bối cảnh thành phố bước vào mùa mưa và triều cường, UBND TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Thành phố Thủ Đức, các quận huyện và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chống sạt lở để chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn