MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sĩ tử mắc hội chứng hiếm gặp ước mình có thể cầm bút, đi xe đạp

Hà Phương - Nhật Huy LDO | 10/08/2020 11:00

Nguyễn Tiến Thái (học sinh lớp 12, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên Ứng Hòa) vừa cùng bạn bè trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt nhất trong lịch sử. Thoạt nhìn trông Thái bình thường như bao cậu bé khác, nhưng ít ai biết được, em đang phải sống chung với hội chứng đột biến gen yếu tố đồng máu số 7 khiến chân tay em không được lành lặn, viết khó, không đi xe đạp được và không làm được nhiều việc khác.

Khi được hỏi về ước mơ, hầu hết các sĩ tử của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đều kể ra những công việc hay một vị trí trong xã hội nhưng em Nguyễn Tiến Thái (Thôn Giao Đường, Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội) ước mình có thể đi lại được bình thường như các bạn để tự chủ cuộc sống, chăm sóc mẹ. Hội chứng đột biến gen yếu tố đồng máu số 7 em mắc phải từ lúc mới sinh khiến chân tay em dễ bị gãy hơn người bình thường.
Thái là người con thứ hai trong gia đình có hai chị em. Chị em là em Nguyễn Thị Thanh Trà đã đi học ở TPHCM hai năm nay, ở nhà chỉ còn Thái, mẹ và ông ngoại nương tựa vào nhau.

Thái cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Giang đang ở nhờ nhà ông ngoại do căn nhà của em đã quá cũ và không còn an toàn để ở. Bố Thái mất sớm, một mình mẹ em tần tảo nuôi Thái ăn học và chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho em. Ước mơ của em cũng giống như cái tên - Tiến Thái. "Tiến trong tiến lên, Thái trong thái bình" những điều cha mẹ em muốn mang lại cuộc sống cho em như thế. Tiếc rằng, may mắn chưa mỉm cười với em.
Tiến Thái kể: "Một năm em đi viện hơn 3 lần, mỗi lần em ở viện khoảng hơn 1 tháng. Em không sợ ở viện, cũng không sợ tiêm, không sợ uống thuốc, mổ với em cũng là điều hết sức quen thuộc".
 Thái không còn nhớ những đầu ngón tay, ngón chân của mình biến dạng như thế này từ bao giờ. Nhiều lúc Thái cũng mặc cảm, tự ti với ngoại hình của mình với mọi người.
Để đảm bảo nắm chắc kiến thức, Thái vừa ôn thi vừa chữa bệnh ở bệnh viện. Đến ngày thi, em được các bạn bè cùng lớp giúp đỡ để có thể đến trường thi đúng giờ, Thái kể: "Để có thể ngồi dự thi em đã cố gắng rất nhiều. Từ nhà em đến điểm thi hơn 20km. Chân em đau nên không thể ngồi xe máy được. Các bạn cùng lớp đã thuê chung 1 chiếc taxi và cho em đi nhờ mà không lấy tiền".
Tuy thời gian đi chữa bệnh ở viện khiến việc học hành của Tiến Thái bị gián đoạn nhưng Thái vẫn nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè... Thái tự tin chia sẻ với chúng tôi rằng em sẽ đỗ tốt nghiệp. "Hiện tại em chưa chọn được công việc nào phù hợp với mình nên em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp. Em cũng muốn đi làm hướng dẫn viên du lịch như các cô chú để được đi đó đi đây, mở mang kiến thức. Nhưng sức khỏe của em không thể làm được", Thái nói thêm.
Mẹ Thái luôn tự hào về cậu con trai của mình, những tấm giấy khen sau mỗi năm học của em luôn được bà trân trọng, gìn giữ cẩn thận.
Những ngày không đi làm ruộng bà Giang thường đi làm phu hồ hoặc ai thuê làm gì thì bà làm việc ấy để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho cậu con trai. Bà nói: "Thái là cậu bé rất thông minh, nếu không phải chữa bệnh và được đi học đều chắc chắn Thái sẽ còn học giỏi hơn nữa".  Bà Giang tâm sự: "Tôi chẳng cần nhà cao cửa rộng, tôi chỉ cần con trai mình khỏe mạnh, sống vui vẻ. Nếu được lựa chọn tôi sẽ thay con mang bệnh để con có thể vui chơi, đi lại như bao đứa trẻ đồng trang lứa".
Thương con bà Giang chỉ biết đi làm kiếm tiền và tìm kiếm bác sĩ giỏi, bệnh viện tốt để mong con khỏi bệnh có thể sinh hoạt như người bình thường. Nhiều khi tủi thân bà chỉ biết kìm nước mắt vào trong vì không muốn con buồn.
Cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng bà Giang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Ngày ngày bà vẫn đi làm, lúc chăm Thái ở viện, lúc lại chăm người bố bị ung thư ở nhà.
Tiến Thái cậu bé ở độ tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới nhưng lại rất hiểu chuyện và lạc quan: "Nếu ai nghĩ chân em không lành lặn thì có lẽ chưa đúng. Chân có thêm cả đinh, cả những vết mổ, đầu óc em minh mẫn và suy nghĩ được rất nhiều điều. Em có mẹ và có cả chị gái thế là hạnh phúc rồi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn