MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sợ chặt bỏ, người trồng hoa Tây Tựu tìm cách bán hàng online

Phạm Đông - Xuân Quỳnh LDO | 16/04/2020 07:30
Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các làng hoa quanh TP. Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm. Chính vì vậy, nhiều nhà vườn đã phải chặt bỏ, bán rẻ và bán hoa online mong gỡ gạc lại vốn.
Những ngày qua, khi cả nước đang thực hiện lệnh cách ly xã hội, nhiều vùng hoa lớn tại Hà Nội lao đao vì ế ẩm, lỗ vốn do không bán được hàng. Đặc biệt từ khi thôn Hạ Lôi, chợ hoa Mê Linh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) ghi nhận trường hợp mắc COVID-19, những người dân trồng hoa càng rơi vào tình trạng điêu đứng. Ảnh: P.Đ
Sáng 15.4, theo ghi nhận của Lao Động tại các vườn hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hầu hết chủ vườn đều đang gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí, nhiều nhà vườn phải chặt bỏ vì hoa bán không ai mua. Ảnh: P.Đ
Nhiều chủ vườn để hoa hỏng luôn tại ruộng do không bán được. Ảnh: P.Đ
Những vườn nở đúng thời điểm này hầu hết chủ vườn chặt về nhà, rồi đợi may mắn có khách đặt. Còn không thì chỉ còn nước nhìn hoa héo dần rồi bỏ đi. Ảnh: P.Đ
Trước tình cảnh này, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra kế bán hoa online, bằng cách đăng lên mạng xã hội mong vớt vát được chút vốn. Ảnh: P.Đ
Chị Nguyễn Thị Quất (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - chủ vườn hoa Ly tại làng hoa Tây Tựu cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 khiến những người trồng hoa như chúng tôi điêu đứng. Đặc biệt với những hộ trồng hoa Ly càng thua lỗ nặng hơn. Giá hoa Ly hiện tại bị lỗ 5000 đồng/cành, tính ra mỗi vườn có khoảng 2 vạn gốc thì tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng”. Ảnh: P.Đ
Cũng theo chị Quất, trước khi có dịch bệnh giá hoa bán khá cao và đắt hàng, các chủ vườn phân phối ở tất cả các tỉnh nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định. Nhưng hiện tại các chủ vườn chỉ bán được quanh khu vực Hà Nội và bán online, may sao có khách đặt có thể chở bằng xe máy. Còn các tỉnh thì hiện tại không thể bán được vì đang trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: P.Đ
Chủ vườn hoa còn cho biết thêm, chiều 14.4 lực lượng y tế quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 490 người liên quan đến hoạt động mua bán tại các chợ hoa: Quảng Bá, Mê Linh, Minh Khai trên địa bàn và có liên quan đến bệnh nhân 243. Ảnh: XQ
Tương tự, chị Hoàng Thị Dung (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - chủ vườn hoa Cúc chia sẻ, kể từ khi có dịch lượng tiêu thụ hoa giảm đáng kể. Nhà chị có hơn 10 vạn gốc Cúc nhưng đến nay mới chỉ bán đi được gần 1/3 số hoa trong vườn, mà phải hoa đẹp thì mới xuất đi được, những hoa xấu hoặc kém sắc thì chỉ có vứt bỏ. Ảnh: XQ
“Bây giờ thu hoạch hoa cúc kim cương ở vườn về bán online cũng chỉ được 60.000 đồng/ 1 bó 50 cành để gỡ vốn. Biết là khó khăn, nhưng vì tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Nhà nước và an toàn cho xã hội nên chúng tôi phải chấp hành, chỉ mong sao dịch bệnh nhanh chóng qua đi để người dân có thể ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế”, chị Dung cho hay. Ảnh: XQ
Tương tự, tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh) nhiều vườn hoa cũng đang đến kỳ thu hoạch nhưng cũng không thu hoạch được do rớt giá, không có người mua. Ảnh: XQ
Dù không bán được hoa nhưng các nhà vườn vẫn phải chăm sóc để chờ thành quả lao động của mình sẽ được mọi người đón nhận, để không có cảnh “hoa cười, người khóc”. Ảnh: XQ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn