MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sống khổ trong những căn nhà chờ giải tỏa dự án cứng hóa kênh La Khê

Tùng Giang LDO | 23/04/2024 16:52

Nhiều hộ dân sống dọc kênh La Khê (đường Ngô Quyền, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) nằm trong vùng dự án cứng hóa kênh này đã phải sống trong cảnh tạm bợ, lay lắt hàng chục năm qua và thường trực nỗi lo mất nhà cửa mà không được bồi thường, tái định cư.

Dự án Cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) gồm 2 hạng mục chính: Hạng mục cụm công trình đầu mối và tuyến kênh dẫn La Khê.
Dự án đã hai lần được phê duyệt điều chỉnh vào năm 2019 và 2021, với tổng mức đầu tư gần 7.470 tỉ đồng, nhưng do chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn qua quận Hà Đông, nên dự án đã nhiều lần gia hạn thời gian. Để dự án không bị chậm tiến độ hơn nữa, 11.2023, UBND TP ban hành quyết định 5974/QĐ-UBND gia hạn thời gian thực hiện dự án, đồng thời yêu cầu quận Hà Đông phải hoàn thành công tác GPMB, thời hạn xong trước tháng 6.2024. Đến nay, UBND quận Hà Đông đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế đối với các khu vực chậm GPMB.
Ngay sau thông tin này, các hộ dân nằm dọc bờ kênh La Khê, đoạn qua đường Ngô Quyền, phường Quang Trung tỏ ra vô cùng lo lắng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hà Thị Kim Thủy (SN 1965, trú tại đường Ngô Quyền) là cán bộ ngành giáo dục từng làm việc tại trường mầm non Chùa Ngòi) cho biết, hiện có khoảng 20 hộ dân sống tại khu vực này từ những năm 1993 đến nay và thậm chí là trước đó. Các hộ đều có nguồn gốc là các cán bộ công tác trong ngành Giáo dục – Đào tạo tại quận Hà Đông, Xí nghiệp Trung đại tu ôtô và Công ty Nông sản – Thực phẩm Hà Nội trước đây. Ảnh chụp một phần diện tích thuộc khu vực trường mầm non Chùa Ngòi đang được GPMB.
“Chúng tôi được các đơn vị nhà nước nêu trên tạo điều kiện, cấp nhà để sinh sống trong các khu tập thể này. Tuy nhiên nhà không có sổ đỏ, nên khi chính quyền địa phương tính toán phương án bồi thường để lấy mặt bằng thực hiện dự án cứng hóa kênh La Khê thì không hộ nào được tái định cư mà chỉ được bồi thường với số tiền ít ỏi trên dưới 100 triệu đồng”, bà Thủy giãi bày.
“Với số tiền bồi thường này, gia đình chúng tôi sẽ ở đâu sau khi nhà bị thu hồi?”, ông Nguyễn Bá Thịnh (áo đỏ, SN 1969, đường Ngô Quyền) lo lắng và cho biết thêm, căn nhà nơi ông sinh sống từ những năm 1972 được phân cho mẹ đẻ là nguyên Hiệu trưởng trường mầm non Chùa Ngòi.
“Người dân đều nhất trí hoàn trả lại đất để phục vụ thi công dự án, nhưng chúng tôi sẽ phải ra đường ở vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà không được cấp sổ đỏ, nên không có căn cứ bồi thường, tái định cư”, ông Thịnh băn khoăn.
Người dân tại đây cũng cho biết, khu đất trên được họ sử dụng ổn định qua hàng chục năm, không có tranh chấp, đóng thuế đầy đủ và có giấy phân đất kèm theo bản đồ thửa đất do các đơn vị nhà nước đo đạc, cung cấp. Ảnh chụp một căn nhà trong diện GPMB đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể tu sửa.
Theo tìm hiểu, quá trình thực hiện dự án Trạm bơm Yên Nghĩa, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông xác định, các hộ dân này không nằm trong diện được bồi thường tái định cư, chỉ được bồi thường các tài sản trên đất. Ngoài ra, các phần đất nằm trong diện GPMB này trước đây được xác định là giao trái thẩm quyền.
Hiện các hộ dân đã có đơn kiến nghị xem xét về phương án bồi thường thỏa đáng gửi đến UBND quận Hà Đông, tuy nhiên chưa có thông tin phản hồi.
Ngày 23.4, trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Văn Tám – Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Hà Đông) cho biết, theo quyết định cưỡng chế từ UBND quận Hà Đông, các ngày 24 – 25 và 26.4 sẽ tiến hành cưỡng chế trên địa bàn các phường Dương Nội và phường Quang Trung. Các hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường vẫn đang được chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền vận động để các hộ tự động tháo dỡ trước thời điểm bị cưỡng chế. Theo kế hoạch, 8h sáng ngày 25.4 sẽ tiến hành cưỡng chế đối với 3 hộ không chấp hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn