MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dệt thổ cẩm độc đáo của người vùng cao được tái hiện tại không gian Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang 2023. Ảnh: Việt Bắc.

Tái hiện công đoạn dệt thổ cẩm tỉ mỉ của người Tày, Dao tại Lễ hội Thành Tuyên

Việt Bắc LDO | 23/09/2023 19:44

Trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Thành Tuyên 2023, những không gian trưng bày các sản phẩm và tái hiện công đoạn dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, người Dao tiền tại TP Tuyên Quang được nhiều người quan tâm.

Những ngày này, dòng người đổ về các gian hàng dệt thổ cẩm truyền thống tại hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang 2023 để trải nghiệm, mua sắm khá đông.
Đây là những gian hàng với không gian tái hiện các công đoạn dệt thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào dân tộc Tày, Dao Tiền của tỉnh miền núi Tuyên Quang.
Chị Nguyễn Thị Mừng, dân tộc Tày (Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, người Tày có hai kiểu dệt là dệt trơn và dệt có hoa văn (dệt thổ cẩm). Nguyên liệu làm ra tấm thổ cẩm được lấy từ cây bông, cây lanh ở trên rừng, sau đó đem về tách lấy sợi, dùng chàm để nhuộm màu.
Sau khi kéo thành sợi sẽ được lồng vào khung gỗ, khung cửi rồi kéo xếp. Để làm ra được tấm thổ cẩm với kích thước 6 - 8 mét nếu làm liên tục sẽ phải mất từ 15 - 30 ngày, điều này đòi hỏi người thợ phải kiên trì, khéo léo.
"Công đoạn khó làm nhất trong việc dệt thổ cẩm chính là tạo hoạ tiết, phối màu cho sản phẩm. Việc này đòi hỏi người thợ dệt phải tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật cao và yêu cầu người thợ trước đó phải có một quá trình lao động lâu dài để tích luỹ", chị Mừng nói.
Theo phong tục đồng bào người Tày, mỗi cô dâu khi về nhà chồng sẽ tự tay dệt để làm chăn, đệm, váy cưới... với ý nghĩa mong muốn cuộc sống gia đình được trọn vẹn, hạnh phúc, đủ đầy.
Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm thổ cẩm công nghiệp được làm từ những sợi len được nhuộm màu bắt mắt, giá thành lại rẻ nên một số ít người đồng bào cũng đã không còn mặn mà với nghề dệt thủ công truyền thống.
"Hội chợ lần này là dịp để chúng tôi quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc vùng cao. Việc tái hiện lại không gian dệt thổ cẩm thủ công bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực khi rất nhiều du khách đã ghé tham quan, mua sắm tại gian hàng" - chị Mừng chia sẻ.
Nằm ngay cạnh đó là gian hàng của đồng bào dân tộc Dao Tiền (Na Hang, Tuyên Quang), những người phụ nữ tại đây đang tỉ mẩn vẽ hoạ tiết lên tấm vải thổ cẩm đã thu hút hàng trăm du khách ghé tham quan.
Để vẽ lên những hoạ tiết những người phụ nữ Dao Tiền sẽ dùng sáp ong khoái được đun trên một chiếc đĩa nhôm, sau đó dùng dụng cụ hình chữ V để chấm rồi khéo léo tạo thành các hoa văn đẹp mặt.
Theo chị Triệu Thị Phương, dân tộc Dao Tiền (Na Hang, Tuyên Quang), để tạo ra tấm thổ cẩm với hoạ tiết đẹp, hoàn chỉnh sẽ mất từ 6 - 12 tháng, tuỳ vào độ tinh xảo và cầu kỳ của hoa văn in trên thổ cẩm.
Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống ngày nay đã rất đa dạng, nhiều mẫu mã hoặc quà tặng lưu niệm được nhiều du khách quan tâm.
Chị Bùi Hạnh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: "Cả gia đình đã nhiều lần đến với mảnh đất Tuyên Quang nhưng vẫn đặc biệt thích thú các sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Dịp lễ hội này lại được chứng kiến các công đoạn làm ra thổ cẩm ngay tại thành phố thế này khá thú vị".
Trước đó, Hội chợ thương mại du lịch Tuyên Quang 2023 khai mạc tối 20.9 với hơn 200 gian hàng, đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện của Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023. Theo ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, sự kiện lần này sẽ là dịp quan trọng để các địa phương quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, xây dựng thượng hiệu cho các sản phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn