MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tái hiện lịch sử qua những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ

Yến Phương LDO | 10/05/2022 09:00
Hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng, giới thiệu về cuộc đấu tranh giành thắng lợi của quân, dân ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng.
Tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, Sở VHTTDL thành phố tổ chức Trưng bày chuyên đề “Đại thắng mùa Xuân 1975”, phục vụ khách tham quan từ ngày 28.4 - 15.8.2022. Nơi đây trưng bày hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng, giới thiệu về quá trình đấu tranh giành thắng lợi của quân, dân ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng.
Mở đầu là hình ảnh trong giai đoạn Kháng chiến chống Pháp, sau khi CMT8 thành công, Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Thời điểm đó, Uỷ ban Giải phóng Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo đào đường, đắp cảng, làm công sự để ngăn chặn bước tiến của giặc. Hành trang của người chiến sĩ thô sơ với chiếc chén gáo dừa và cây súng gỗ để tập luyện quân sự, nhưng quyết tâm đánh đuổi quân thù rất cao.
Quân, dân cũng sử dụng những trái bom đạn lép để chế tạo lại thành vũ khí đánh giặc, cùng với những chiếc dao găm, cây mã tấu, lưỡi mác mà các chiến sĩ Cần Thơ tự trang bị làm vũ khí chống thực dân Pháp.
Quân y Cần Thơ thông qua việc khám chữa bệnh cũng vận động bà con tham gia đánh giặc. Trong ảnh là bộ dụng cụ y tế của ông Huỳnh Kinh Vinh, cán bộ y tế tỉnh Cần Thơ trang bị để Nhà bảo sanh xã Nhơn Nghĩa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tạo thế hợp pháp hoạt động cách mạng (cuối 1954 - 1960).
Những lá thư tay của tiền tuyến và hậu phương gửi cho nhau. Trong đó có lá thư của ông Nguyễn Tự Giác - Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ gửi cho vợ là bà Lê Minh Châu - Hội trưởng Hội phụ nữ Giải phóng. Cuối thư ông có viết: “Thắng lợi đã gần/ Khó khăn gian khổ vẫn còn/ Phấn đấu cùng nhau vượt qua mau/ Đến ngày hội ngộ nắm chặt tay em“. Lời động viên vượt qua khó khăn cùng một niềm tin nước nhà thống nhất.
Quân, dân Nam Bắc chung một lòng đánh đuổi quân thù, những chàng trai cô gái đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Đây là những kỉ vật trên chiến trường Trường Sơn: Gào mên của thượng úy Trần Quang Minh, bộ đội pháo binh thuộc lữ đoàn 368 trang bị để sử dụng trong đợt vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam (1968 - 1970).
Huân chương Quyết thắng hạng nhất của Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam tặng bà Nguyễn Thị Mười (phường Xuân Khánh, Cần Thơ). Đã có công lao trong thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam. Bên trái là Bản Tuyên bố của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ được phát sóng trên Đài Phát thanh Cần Thơ lúc 15 giờ, ngày 30.4.1975.
Điểm nhấn là nhóm hiện vật của Cố giáo sư, viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - người viết sử bằng âm nhạc. Mỗi bài hát của ông luôn gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó không thể không kể đến bài hát "Giải phóng miền Nam".
Nhóm hiện vật của văn công Cần Thơ, dùng "tiếng hát át tiếng bom" như cây đàn, giỏ xách, kẹp tóc, những vật dụng để trang điểm khi trình diễn văn nghệ, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quân dân ta.
Trong giai đoạn 1968 -1975, quân ta đã có nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, những thắng lợi này có được một phần là nhờ vào tình hậu phương, bà con góp gạo trong hũ gạo nuôi quân ăn no đánh thắng, đào hầm bí mật để các chiến sĩ hoạt động trong lòng giặc.
Các cơ sở nội thành thành phố Cần Thơ: Bên trái là chiếc xe đạp của ông Phạm Hoàng Oanh, ông đã dùng chiếc xe đạp này chở cán bộ chiến sĩ đi trong thành phố để thăm dò tình hình hoạt động của địch. Còn bên phải là chiếc xe Mobylette - Cady, cô giáo Nguyễn Thị Kim Xoa đã để dành tiền đi dạy của mình mua để vận chuyển tài liệu, thuốc men từ nội ô ra bên ngoài phục vụ cách mạng (1966 - 1973).
Những kỉ vật chiến trường như đèn, radio, lưỡi mác.
Những hiện vật được các chiến sĩ tỉnh Cần Thơ dùng để phục vụ công tác như đồng hồ, hài, kính mắt, bao súng, xắc cốt,...
Đặc biệt là chiếc áo bà ba của cô Lê Hồng Quân – tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng hoạt động ở nội ô Sài Gòn. Khi hòa bình lặp lại người còn người mất, cô được ra Hà Nội dự lễ tuyên dương, cô đã mặc chiếc áo này mang ý nghĩa rằng tất cả đồng đội cùng được vinh danh với cô tại thủ đô trong ngày thống nhất.

Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ được 2 Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Phía trên là lá cờ phóng viên Lý Wẩy đã sử dụng để ghi hình chiến thắng của lực lượng vũ trang Cần Thơ trong giai đoạn 1969 – 1975. Còn dưới là lá cờ được treo ở đài phát thanh Cần Thơ vào ngày 30.4.1975.
Khách tham quan Cờ Đội biệt động thị trấn Cái Răng treo trong Lễ phát động chuẩn bị đánh chiếm Chi khu Cái Răng, cuối năm 1974.
Theo bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VHTTDL thành phố, việc trưng bày chuyên đề này là một trong những hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng của thành phố Cần Thơ, là dịp để các tầng lớp nhân dân ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc vững chắc, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn