MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tận mắt chứng kiến dây chuyền xét nghiệm COVID-19 hoạt động xuyên đêm

Hải Nguyễn LDO | 18/08/2021 10:53

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm lấy hàng triệu mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng ở các nhóm nguy cơ khác nhau nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tại các bệnh viện, các y bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm cũng đang làm việc ba ca để trả kết quả nhanh nhất, phục vụ công tác truy vết người nhiễm COVID-19 hiệu quả.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) chia sẻ trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, tất cả lực lượng phòng chống dịch của Hà Nội đang nỗ lực tối đa, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm. Ngoài CDC, việc xét nghiệm còn có hệ thống bệnh viện công như Học viện Quân Y, Bệnh viện 108, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia và bệnh viện ngoài công lập như Medlatec, Vinmec… cùng chung tay thực hiện nhằm đáp ứng thời gian trả kết quả trong vòng 24h theo yêu cầu của Bộ Y tế.
ThS-BS Nguyễn Thị Kim Len - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Theo kế hoạch của Bộ Y tế về việc lấy 300.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng nguy cơ tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 10.8 – 17.8, chúng tôi được giao lấy mẫu và xét nghiệm cho 70.000 người tại Đông Anh, Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Thường Tín. Tính đến ngày 17.8, chúng tôi hoàn thành lấy mẫu và trả kết quả trong vòng 24h, đã phát hiện 6 ca dương tính với COVID-19".
Việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được chia làm 4 bước theo thứ tự gồm: lấy mẫu bệnh phẩm, nhập thông tin lên hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu xét nghiệm, chạy xét nghiệm và trả kết quả.
ThS Phạm Văn Ngãi - Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm Medlatec nói: “Trong đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, chúng tôi đảm nhận lấy khoảng 130.000 mẫu trong tổng số 800.000 mẫu của TP. Hà Nội. Dự kiến chúng tôi sẽ huy động khoảng 700 lượt y bác sĩ đảm nhiệm công việc lấy mẫu. Việc lấy mẫu và xét nghiệm được tiến hành đồng thời với tần suất 6 - 8 lần/ngày”.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế tại Khu vực tiền xử lý mẫu bất hoạt. Một trong những khâu đầu tiên sau khi tiếp nhận mẫu mang về từ hiện trường. Việc xử lý mẫu bất hoạt nhằm mục đích ngăn chặn mẫu không có khả năng lây lan; đảm bảo an toàn cho các công đoạn tiếp theo như tách chiết, phân tích trên máy PCR.
Tiếp nhận các mẫu đã được xử lý an toàn, tiếp theo mẫu sẽ được tách chiết và RT-Realtime PCR bằng các hệ thống xét nghiệm PCR tự động hoàn toàn như Cobas 6800 hoặc Alinity M cho kết quả nhanh có độ chính xác rất cao.
Kỹ thuật viên Phạm Thị Trang hút mẫu vào các ống nghiệm để đưa vào hệ thống máy tự động phân tích.
Sau 3,5 giờ đồng hồ phân tích theo công nghệ RT-PCR, hệ thống sẽ cho kết quả xét nghiệm.
Hai hệ thống xét nghiệm COVID-19 tự động hoàn toàn công suất lớn với 4 khay mỗi máy chạy liên tục 24/24 có thể thực hiện khoảng 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp 10/ngày.
"Việc trả kết quả nhanh có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giúp lực lượng truy vết nhanh, tránh lây lan dịch bệnh, do đó chúng tôi đã huy động khoảng 30 người chia làm 3 ca làm việc liên tục để đáp ứng thời gian trả kết quả trong ngày của Bộ Y tế” – ông Ngãi chia sẻ.
Với mỗi mẫu có kết quả dương tính trên một hệ thống máy phân tích, các kỹ thuật viên sẽ thực hiện chạy kiểm tra lần hai trên một hệ thống máy còn lại để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
Khi kết quả hai lần trùng nhau, người chịu trách nhiệm tại phòng Labo sẽ ký xác nhận và báo cáo tới ban chỉ đạo phòng chống dịch tại đơn vị đồng thời báo cáo tới hệ thống của Sở Y tế Hà Nội nhanh chóng, kịp thời. Ảnh: ThS Phạm Văn Ngãi ký giấy xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 diện rộng tại Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn