MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tận thấy cây nỏ được sáng chế hoạt động giống "nỏ thần An Dương Vương"

Thế Kỷ LDO | 28/12/2019 07:00
Ông Vũ Đình Thanh (Hà Nội) vừa gửi tờ khai đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để đăng ký phát minh sáng chế mang tên: “Nỏ bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ”. Ông Thanh tin rằng cây nỏ của mình hoạt động giống "nỏ thần An Dương Vương".
Theo chia sẻ, kỹ sư Vũ Đình Thanh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự của Tiệp Khắc cuối những năm 1980, anh từng có bằng sáng chế về cánh tên lửa của Cộng hòa Cezch khi còn công tác tại một viện nghiên cứu kỹ thuật tên lửa của quốc gia này.
"Trước đây nhiều người nghĩ câu chuyện nỏ thần có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên, bách phát bách trúng là hư cấu, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy việc này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Đây cũng là lí do khiến tôi bắt tay vào chế tạo và tìm hiểu nguyên lý tạo ra một cây nỏ có khả năng thần kỳ như vậy", kỹ sư Vũ Đình Thanh chia sẻ.
 Đây là hình ảnh cây "nỏ thần" mà ông Thanh mày mò chế tạo ra, ông Thanh tin rằng cây nỏ của mình vận hành giống với "nỏ thần An Dương Vương". 
Nhìn qua thiết kế, cây nỏ không khác biệt nhiều so với những cây nỏ thông thường. Điểm khác biệt, cũng là điểm tạo nên sự đặc biệt của chiếc nỏ chính là ống đựng mũi tên bằng tre và 2 chốt hãm dây, hình dáng mũi tên. 
"Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai chốt hãm để phanh ống tre lại, các mũi tên sẽ theo quán tính bay về phía trước",  kỹ sư Vũ Đình Thanh nói về nguyên lý hoạt động của cây nỏ.
Các mũi tên được xếp vào ống tên. Kích thước ống càng lớn thì càng chứa được nhiều mũi tên. 
 
Theo kỹ sư Thanh, nguyên lý vận hành chiếc nỏ rất gần với nguyên lý của tên lửa container. Nó là một dạng quả tên lửa to, bên trong chứa những quả tên lửa nhỏ.  
Khi bắn, ống chứa nỏ sẽ bị hãm lại, các mũi tên tiếp tục bắn về phía trước, đến một khoảng nào đó các mũi tên có xu hướng tách ra theo nhiều hướng. 
Mũi tên đồng Cổ Loa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
  
Những mũi tên bằng đồng được Kỹ sư Vũ Đình Thanh gia công. Hình dáng và kích thước gần tương đồng với mũi tên đồng Cổ Loa đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. "Tôi mong muốn có thể tặng sáng chế này cho các Bảo tàng để phục vụ việc phục dựng chính xác chiếc nỏ thần trong truyền thuyết", ông Thanh cho hay.
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn