MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tận thấy nạn đổ trộm phế thải xây dựng tại nhiều khu vực ở Hà Nội

Kim Sơn LDO | 28/02/2023 15:04
Hiện nay, ở Thủ đô, những khu vực thưa vắng dân cư, ít người qua lại trở thành nơi đổ trộm phế thải xây dựng gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, các công ty môi trường chỉ có trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân. Với phế thải xây dựng, người dân phải thuê dịch vụ thu gom, đổ tại các bãi phế thải xây dựng được thành phố đầu tư và vận hành theo công nghệ chôn lấp như: Vân Nội (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì),…
Tuy nhiên, ghi nhận của Lao Động dọc đại lộ Chu Văn An, nạn đổ trộm diễn ra ngang nhiên, diễn ra không kể ngày, hay đêm. Phế thải xây dựng còn vương vãi trên vỉa hè đại lộ, gây nên cảnh tượng nhếch nhác.
Tại khu vực này, có dựng biển “Nghiêm cấm đổ trộm rác, phế thải xây dựng, vật dụng sinh hoạt”. Công an xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) còn để lại số điện thoại để ai bắt được thì liên hệ.
Ngay gần đại lộ Chu Văn An, lối đường đất dẫn vào khu vực phía sau tòa nhà Bee Sky trên đường Nguyễn Xiển – Xa La (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) là nơi những đối tượng đổ trộm phế thải.
Núi rác cao hàng chục mét với đủ các loại rác thải, bốc mùi hôi thối. Chị Linh, cư dân của tòa nhà cho hay, bãi phế thải đã tồn tại nhiều năm qua. Khói bay cùng mùi khó chịu vào những tòa nhà là điều không thể tránh khỏi.
Theo ghi nhận, đỉnh núi rác cháy âm ỉ; có một bộ bàn ghế sofa nham nhở - chưa được đốt cháy hoàn toàn.
Cách đó khoảng 9km, trên phố Sa Đôi (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), cơ quan chức năng quây kín một bãi đất trống để cấm đổ trộm phế thải. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tại đây.
Một nhánh đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) cũng nằm chung tình cảnh. Rác được đốt một cách ngang nhiên trên vỉa hè.
Trong khi đó, lối dẫn ra bãi giữa sông Hồng, công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), cơ quan chức năng lập chốt phòng chống đổ phế thải, nhưng không ai có mặt để trực chốt.
Vì thế, nạn đổ trộm phế thải diễn ra vẫn ngang nhiên. Tại khu vực ven bãi sông Hồng, bãi đổ trộm dần cao lên sẽ khiến một phần thoát lũ bị ảnh hưởng. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) từng nhiều lần kiến nghị UBND TP Hà Nội về vấn đề này.
Ước tính mỗi ngày Hà Nội phát sinh 4.000 tấn chất thải rắn xây dựng, 5.000 tấn rác thải sinh hoạt. Sáu năm qua, thành phố thí điểm hai điểm nghiền, xử lý tái chế chất thải xây dựng ở Pháp Vân – Cầu Giẽ và chân cầu Thanh Trì, song chưa có đánh giá cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn