MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tất bật xóm nghề làm cầu lông vịt dịp đầu năm học ở Cần Thơ

Gia Khiêm LDO | 01/09/2023 07:38

Cần Thơ - Mùa tựu trường đến, thời điểm này xóm nghề làm cầu lông vịt tại Cần Thơ lại tất bật dày công làm ra sản phẩm cầu đẹp và bền để phục vụ cho các em học sinh trong năm học mới.

Ghé thăm hẻm 68 (Khu vực 6, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - nơi nổi danh xóm nghề làm cầu lông vịt luôn tất bật, bắt đầu từ đầu năm học mới và kéo dài cho đến hết năm học. Người làm nghề ở đây hầu hết đều là những phụ nữ ở độ tuổi trung niên.
Gắn bó với nghề hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Hà (58 tuổi) cho biết, trước kia làm nghề khá vất vả và nhọc công, bởi hầu hết các công đoạn đều phải làm bằng tay, đế xốp phải tận dụng chai nhựa cắt thành từng miếng nhỏ để làm, còn nguồn nguyên liệu lông vũ thì đêm nào cũng phải chạy xe đi từ 2 giờ sáng lên tỉnh Long An để lấy. Còn bây giờ hiện đại hơn, các cơ sở đã có máy dập cung ứng hàng thành phẩm, nguồn nguyên liệu cũng dễ kiếm, nhờ đó tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
Theo lời kể của bà Hà, thời gian trước mỗi ngày gia đình bà làm vài trăm chiếc cầu. Thậm chí, có nhiều ngày phải làm từ sáng sớm đến tận nửa đêm mới kịp hàng để giao cho mối. Nhưng giờ tuổi cao, mắt mờ, tay chân yếu nên làm ra số lượng ít hơn và phải thuê thêm thợ phụ gia công.
“Tôi thấy trong xóm có nhiều chị em phụ nữ lớn tuổi không có việc làm nên đã thuê họ phụ gia công mỗi ngày, chủ yếu tạo công ăn việc làm cho các chị em, mỗi ngày trung bình họ cũng kiếm được 50.000 – 70.000 đồng, đỡ đần vào chi phí sinh hoạt thường ngày của gia đình”, bà Hà nói.
Giai đoạn này, mỗi ngày bà Hà làm hơn 100 chiếc cầu, chưa tính của các thợ gia công thêm. Nhờ làm lâu năm có uy tín nên số lượng ra bao nhiêu mối cũng lấy hết. Hiện giá bán mỗi chiếc cầu là 3.700 đồng, đem về thu nhập ổn định cho gia đình bà.
Còn bà Trần Kim Lén (56 tuổi), ban đầu cũng chỉ từ một người làm công, nhờ sự chịu khó học hỏi, nghề dạy nghề, đến nay bà đã là chủ một cơ sở làm cầu lông vịt có tay nghề và được mối tin tưởng. “Trước đây công việc của tôi là bán bắp nấu, do thu nhập ít ỏi nên tôi xin bà Hà cho làm gia công cầu lông vịt để kiếm thêm. Làm lâu tôi cũng học hỏi và rèn luyện được nhiều, theo thời gian tay nghề cũng giỏi hơn nên quyết định lập cơ sở kinh doanh và làm tới giờ”, bà Lén chia sẻ.
Nghề làm cầu đòi hỏi tinh mắt, khéo léo và nhanh tay. Để làm một chiếc cầu đạt tiêu chuẩn thì quan trọng nhất là khâu lựa lông vịt, tỉ mỉ trong từng công đoạn từ vệ sinh lông đến phơi lông, tỉa lông, rồi ráp cầu, may… Đồng thời, khâu đóng đế cũng phải cẩn thận, đế cầu phải được xiết dây chì vừa phải, không quá lỏng cũng không quá chặt.
Bà Lén cho hay, ngoài hai vợ chồng bà tự làm thì bà còn thuê thêm 3 thợ phụ gia công mỗi ngày để cung ứng đủ số lượng. Trung bình mỗi tháng bà làm từ 4.000 đến hơn 5.000 chiếc cầu giao cho mối ở tỉnh Vĩnh Long.
Theo những thợ nghề tại đây, đa số sản phẩm họ làm ra để cung ứng cho học sinh học thể dục, vậy nên nghề này nhộn nhịp nhất là vào mùa học sinh tựu trường và kéo dài đến hè, thu nhập của họ cũng chủ yếu từ đó. Mặc dù kinh doanh luôn có tính cạnh tranh, nhưng các chị em phụ nữ nơi đây luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau, từ việc chia sẻ nguồn nguyên liệu đến giới thiệu mối lái,… góp phần làm nên thương hiệu cho các cơ sở trong cả xóm và tạo thu nhập ổn định cho hầu hết mọi người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn