MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thăm "vương quốc" của nữ thạc sĩ 8X bỏ việc về làm nông dân công nghệ cao

NGUYỄN TRI LDO | 06/09/2020 07:30
Từ bỏ công việc tại một cơ quan Nhà nước, nữ thạc sĩ 8X ở tỉnh Vĩnh Long về nhà tìm tòi, nghiên cứu làm nông nghiệp công nghệ cao.
Chị Lê Ngọc Hiền (36 tuổi, ở TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) - thạc sĩ Quản lý ngành tài nguyên môi trường, từng công tác tại một cơ quan Nhà nước ở tỉnh Vĩnh Long.
Trong quá trình công tác, nhận thấy xu hướng hiện nay người dân chú trọng các sản phẩm sạch và đảm bảo sức khỏe. Sẵn trong nhà có đất, chị đã đầu tư mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao. Tháng 4.2020, chị quyết định xin nghỉ hẳn để tập trung cho công việc.
Ban đầu, chị trồng hơn 2.000 cây dưa lưới công nghệ cao trên mảnh đất khoảng 1.000m2. Đến nay, ngoài trồng dưa lưới, chị còn trồng thêm dưa leo, cà chua, dưa hấu...
“Dưa leo đợt này tôi trồng khoảng 500 cây để thử coi kỹ thuật trồng có vấn đề gì không, rồi phản ứng ngoài thị trường như thế nào, nhưng thực ra mọi người rất thích. Cây dưa leo, trồng khoảng 25 ngày là có thể thu hoạch từ từ, nó sẽ cho thu hoạch trong vòng 1 tháng” – chị Hiền cho biết.
Theo chị Hiền, do không có kiến thức về nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nên mọi thứ chị đều phải học; trong đó học từ kinh nghiệm thực tế của những người đi trước và học cả sự thất bại. Đa phần là học từ sự thất bại.
Chị Hiền đang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho khu vườn của mình. Đặc biệt, điều quan trọng nhất của cây trồng vẫn là quản lý được sâu bệnh và cân bằng được dinh dưỡng.
“Cây cũng như con người, nó cần đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng. Ví dụ, khi cây con trong quá trình lớn thì cần phân gì để phát triển rễ, thân và lá; khi cây lớn đến giai đoạn thụ phấn thì cần phân gì để nụ to. Mỗi giai đoạn cần cân bằng dinh dưỡng khác nhau, nếu nắm được yếu tố đó mới quản lý, đưa dinh dưỡng phù hợp để có một sản phẩm như mong muốn” – chị Hiền nói.
Chị Hiền cho biết thêm, một mùa sẽ kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Nếu bán lẻ thì dưa lưới có giá từ 50 – 60 ngàn/kg, còn dưa leo đang bán 40 ngàn/kg.
Ngoài ra, trong khu vườn của mình, chị Hiền còn nuôi ong để giúp hoa được thụ phấn nhằm giảm công lao động khi phải thụ phấn bằng tay.
“Hiện tại, tôi muốn tạo ra một mô hình để khuyến khích đối tượng là những gia đình có con nhỏ đến đây trải nghiệm, tìm hiểu về cây được trồng như thế nào, biết được người nông dân vất vả chăm sóc ra sao, để kích thích các bạn yêu nông nghiệp, yêu cây, quý trọng công sức người nông dân” – chị Hiền chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn