MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Thành phố phía Đông” trong tương lai của TPHCM đã có những gì?

MINH QUÂN LDO | 01/05/2020 14:00

"Thành phố phía Đông" trong tương lai trực thuộc TPHCM trên cơ sở sát nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức trở thành một Khu đô thị sáng tạo dựa trên các lợi thế có sẵn như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu công nghệ cao (quận 9) và Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức).

UBND TPHCM đang xin Bộ Xây dựng hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM trên cơ sở gộp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức; dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.
Khu vực phía Đông TPHCM hiện nay là nơi có mật độ đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (với 7 đại học thành viên), Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Văn hoá, Đại học Việt Đức, Đại học Fulbright,… Ảnh: Minh Quân
Nơi đây hiện có hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên, sẽ là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế. Ảnh: Minh Quân
Khu Đông cũng là nơi có mật độ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước với Khu công nghệ cao (quận 9) thành công nhất có mức đầu tư hơn 7 tỉ USD và trong năm 2019, giá trị sản xuất đạt 17 tỉ USD, năm 2020  dự kiến sẽ vượt mốc 20 tỉ USD. Ảnh: Minh Quân
Ngoài ra, khu Đông còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được quy hoạch để trở thành trung tâm tài chính mới của thành phố.  Ảnh: Ngọc Tiến
Hiện nay, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đẩy nhanh xây dựng. TPHCM cũng chuẩn bị thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng. Ảnh: Minh Quân
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 - bắc qua sông Sài Gòn - nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TPHCM, được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TPHCM, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông. Dự kiến cây cầu này sẽ thông xe kỹ thuật cuối năm 2020.   Ảnh: Minh Quân
Khu vực phía Đông còn là nơi tập trung nhiều đầu tư hạ tầng. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM.
Tuyến metro số 1 dài toàn bộ 19,7km (gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) có tổng vốn đầu tư khoảng 44.000 tỉ đồng đã đạt 72% khối lượng tổng thể và quyết tâm đạt 85% tiến độ toàn dự án trong năm 2020, đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2021. Ảnh: Anh Tú
Việc kết liên vùng và quốc tế của Thành phố phía Đông (trong tương lai) sẽ thực hiện qua đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối sân bay Long Thành.  Ảnh: Minh Quân
Ngoài ra, Đại lộ Phạm Văn Đồng với 12 làn xe, tuyến đường được xem là đẹp nhất TPHCM với vốn đầu tư 340 triệu USD kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai rồi kết nối sân bay Long Thành.  Ảnh: Ngọc Tiến
Bến xe Miền Đông mới (quận 9) là quần thể phức hợp có tổng diện tích 16ha được khởi công từ tháng 4.2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Bến xe lớn nhất nước này có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỉ đồng đã hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Ảnh: Anh Tú
Năm 2020, TPHCM sẽ trình Quốc hội về đề án Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông, dự kiến có thể bắt tay triển khai từ năm 2021. Ảnh: Minh Quân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn