MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thầy giáo tiểu học kể chuyện sếu đầu đỏ bằng tranh vỏ tràm

HỒNG LAN - PHƯƠNG THẢO LDO | 20/02/2020 07:30
Nặng lòng với sếu từ khi còn nhỏ, ngoài giờ dạy trên lớp thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh - một giáo viên tiểu học ở xã Phú Đức (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) - đã dành hết thời gian để nghiên cứu và tái hiện những nét sinh hoạt sống động của loài sếu bằng những bức tranh được làm từ vỏ tràm khô của Vườn Quốc gia Tràm Chim. 
Thầy Cảnh chia sẻ: Lúc nhỏ may mắn nhà ở cạnh Vườn Quốc gia Tràm Chim. Nơi đây có rất nhiều sếu đầu đỏ tập trung về ăn củ năng trên đồng sau mùa nước rút. Mỗi ngày sau khi đi học về thầy cùng nhóm bạn trong xóm rủ nhau ra đồng chơi, khi ấy bắt gặp được hình ảnh đàn sếu đang ăn, uống, nghỉ và đùa giỡn bay lượn trên cánh đồng. Hình ảnh ấy dần đi vào tiềm thức và trở thành một phần trong ký ức của thầy.
Ngày nay, số lượng sếu ở Vườn Quốc gia ngày càng ít đi, không còn bao nhiêu người được thỏa thích nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt của sếu. Vì thế thầy Cảnh đã nghĩ ra ý tưởng làm tranh tái hiện lại hình ảnh sếu bằng chính vỏ tràm từ rừng tràm nơi sếu từng sinh sống để cho những thế hệ sau cũng như du khách hiểu rõ hơn về những đặc tính của loài sếu.
Theo thầy Cảnh, để làm một bức tranh sếu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là tìm kiếm nguyên liệu, ở đây vỏ tràm là nguyên liệu chính để làm tranh. Vỏ tràm được thầy Cảnh thu mua từ những cây tràm có độ tuổi gần trăm năm trong Vườn Quốc gia để đảm bảo đủ độ dày và độ chắc chắn.
Vỏ tràm sau khi mua về được lựa chọn lại và phân loại thành những chức năng riêng, những vỏ tràm có kích thước lớn được chọn làm nền cho tranh, những vỏ có kích thước nhỏ dùng để tạo hình sếu.
Để những con sếu có màu sắc như thật thì màu vỏ tràm cũng phải được chọn từ màu sắc tự nhiên. Màu xanh, trắng, xám, đen, nâu được lấy từ lớp vỏ ngoài cùng của cây tràm lâu năm bị rong rêu bám. Tương tự màu nâu đỏ để làm phần đầu và phần chân sếu cũng được lựa chọn kỹ càng hơn,vì đây là màu hiếm, chỉ những cây tràm bị sâu đục có mủ chảy ra bám trên vỏ mới có màu đỏ.
Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất là tạo hình và ghép các mảnh vỏ tràm thành tranh. Đây là công đoạn đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những bức tranh đậm chất nghệ thuật miêu tả và nhất là phải đưa được hồn sếu vào trong tranh.
Với mỗi bức tranh được tạo ra là thêm một câu chuyện về sếu được mang đến cho du khách gần xa. Tính đến nay, người thầy giáo này đã có cho mình bộ sưu tập trên 600 bức tranh về sếu, mỗi bức có giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo kích thước và số lượng sếu trong tranh khi khách đặt.
Bên cạnh làm tranh sếu bằng vỏ tràm, thầy Cảnh còn sáng tạo ra tranh sếu từ cọng năng khô, loại cây mọc nhiều trong Vườn Quốc gia Tràm Chim và là nguồn thức ăn yêu thích của loài sếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn