MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thầy giáo tiểu học thổi hồn thư pháp lên lá sen tươi

HỒNG LAN - PHƯƠNG THẢO LDO | 28/01/2020 11:30
Yêu thích nghệ thuật viết thư pháp từ năm cấp 2, qua nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo, đến nay anh Trịnh Phi Long - giáo viên tiểu học ở ấp 4, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - đã thành công với nghệ thuật viết thư pháp của mình. Đặc biệt là tranh thư pháp được viết trên nền lá sen, một loại cây được trồng nhiều ở Đồng Tháp quê anh.
Anh Long chia sẻ, lúc còn nhỏ một lần tình cờ anh nhìn thấy những nét chữ viết ngược, khi đó trong đầu anh nảy ra ý nghĩ sao mình không viết chữ giống như những nét viết ngược đó. Dần sau này, anh mới biết đó là chữ thư pháp.
Anh bắt đầu tập viết thư pháp từ năm học lớp 7, nhưng lúc đó chỉ mới tập tành cho vui. Mãi đến lúc học sư phạm ở Đại học Đồng Tháp, anh mới có điều kiện tiếp cận với thư pháp một cách chính thức. Thời điểm này, chủ yếu anh viết thư pháp trên giấy báo tường. Vào những ngày nghỉ, anh thường ra công viên viết thư pháp kiếm tiền trang trải chi phí học tập. Rèn luyện lâu ngày, chữ của anh ngày càng đẹp và kỹ thuật viết cũng tinh tế hơn.
Ý tưởng viết thư pháp trên lá sen xuất phát từ việc Đồng Tháp là xứ sở trồng sen. Trong khi những bộ phận khác của cây sen đều được tận dụng, riêng lá sen vẫn chưa được khai thác thành các sản phẩm tạo dấu ấn. Từ đó, anh nảy sinh ý định viết thư pháp trên lá sen để cho du khách làm quà lưu niệm mỗi khi đến với Đồng Tháp. "Khi nhìn tranh, khách sẽ nghĩ ngay đến Đồng Tháp" - anh Long nói.
Anh Long cho hay, thời gian đầu khi viết trên lá sen gặp rất nhiều khó khăn do độ bền của lá sen thấp hơn so với giấy, lại khó bảo quản. Dần dần, anh liên kết được với một công ty chịu trách nhiệm cung cấp lá sen đã qua công đoạn sấy, anh chỉ việc nhuộm màu, viết và đóng khung. Trong ảnh là lá sen đã nhuộm màu xong và chờ khô.
Ngoài ra, khi viết, anh còn gặp khó khăn do bề mặt lá sen nhẵn bóng và có nhiều gân nên viết rất khó ăn mực. Để khắc phục, anh đã tìm tòi, nghiên cứu tìm ra loại mực để pha với mực tàu giúp giữ mực được lâu trên lá khi viết.
Tính đến nay, anh đã có trên 400 bức thư pháp được viết trên nền lá sen. Để làm ra một bức vẽ hoàn chỉnh, anh Long phải mất khoảng 2,5 đến 3 giờ. Mỗi bức thư pháp của anh có giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng tùy thuộc vào kích cỡ của tranh, số lượng chữ và hình vẽ.
Với loại hình tranh thư pháp độc đáo này, anh đã đạt giải cao ở nhiều cuộc thi, dự án khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh như vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp do BSA tổ chức năm 2017; vào bán kết cuộc thi do VCCI Cần Thơ tổ chức năm 2018; đạt giải 3 tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp tổ chức năm 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn