MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thế giới nóng trưa 23.2: Cặp vợ chồng Anh nghi bị IS bắt cóc tại Nam Phi

PAN (Tổng hợp) LDO | 23/02/2018 12:16

Tổng thống Pháp cảnh báo dự án mua đất của Trung Quốc, Nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Ấn Độ, Dân Trung Quốc chi 146 tỷ USD "ăn Tết", Một đôi vợ chồng người Anh nghi bị IS bắt cóc tại Nam Phi... là những tin tức quốc tế nóng nhất trưa ngày 23.2.

Tổng thống Pháp cảnh báo dự án mua đất của Trung Quốc

Tổng thống Emmanuel Macron cam kết ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài mua đất nông nghiệp của Pháp sau một loạt vụ việc gây tranh cãi liên quan tới nhà đầu tư Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Pháp đề cập tới thương vụ mua 900 hec-ta đất ở khu vực Allier (nơi phát triển ngũ cốc ở miền trung Pháp), của một quỹ đầu tư Trung Quốc hồi năm ngoái và vụ mua 1.700 hec-ta đất ở vùng Indre hồi năm 2016. 

Dân Trung Quốc chi 146 tỷ USD "ăn Tết"

Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh thu của các nhà hàng và siêu thị ở Trung Quốc tăng 962 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD) trong dịp nghỉ Tết kéo dài từ 15.2 đến 21.2. Ngoài những mặt hàng tiêu dùng phổ biến, người dân ở đây cũng chi mạnh cho các hoạt động giải trí trong dịp nghỉ lễ này như xem phim, du lịch. Doanh thu của các hãng du lịch trong nước tăng 475 tỷ nhân dân tệ. Các điểm đến du lịch được người Trung Quốc lựa chọn nhiều nhất là các nước khu vực Đông Nam Á.

Nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Ấn Độ

Avani Chaturvedi đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của Ấn Độ điều khiển máy bay chiến đấu một mình và đây được xem là dấu mốc lịch sử đối của không quân nước này.
Nữ phi công Avani Chaturvedi ngày 19.2 đã hoàn thành chuyến bay một mình kéo dài 30 phút trên máy bay chiến đấu MiG-21 Bison tại căn cứ không quân Jamnagar của Ấn Độ. (Ảnh: Không quân Ấn Độ)
Theo phát ngôn viên Anupam Banerjee của Không quân Ấn Độ (IAF), việc Avani trở thành người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu một mình là bước ngoặt lớn trong chương trình đào tạo phi công của nước này. (Ảnh: RT)

Nga "thử lửa" hơn 200 vũ khí mới ở Syria

Nga đã thử nghiệm hơn 200 loại vũ khí mới ở Syria trong chiến dịch kéo dài hơn 2 năm nhằm ủng hộ quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, một quan chức cấp cao của Nga cho biết ngày 22.2. Theo AFP, ông Vladimir Shamanov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga cho biết: Trong quá trình giúp đỡ người dân Syria anh em, chúng ta đã thử nghiệm hơn được hơn 200 loại vũ khí mới".

Một đôi vợ chồng người Anh nghi bị IS bắt cóc tại Nam Phi

Cảnh sát Nam Phi ngày 22.2 cho biết một cặp vợ chồng già người Anh đã bị bắt cóc tại tỉnh KwaZulu-Natal. Văn phòng Đối ngoại Anh đã xác nhận thông tin trên và nâng mức cảnh báo tấn công của “các phần tử khủng bố” tại Nam Phi. Theo cảnh sát, kể từ khi đôi vợ chồng nói trên bị bắt cóc hồi tuần trước, vẫn chưa có thông tin gì về họ. Trong khi đó, truyền thông địa phương cho biết cặp vợ chồng trên sống tại Cape Town và bị bắt cóc khi đang đi nghỉ gần thị trấn Vryheid. Báo chí cũng đưa tin rằng sự biến mất của họ có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song cảnh sát từ chối bình luận về vấn đề này.

Triều Tiên chỉ trích phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc

Ngày 22.2, Triều Tiên đã lên án Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ủng hộ việc gây “sức ép thực sự” đối với nước này do các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuyên bố của phái đoàn Triều Tiên tại Liên hợp quốc có đoạn: “Đây là hành vi không thỏa đáng và ngụy biện của vị Tổng thư ký Liên hợp quốc và chỉ khiến chúng tôi đặt câu hỏi phải chăng ông ta là người tay sai đại diện cho Mỹ”.
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hà Lan liên quan vụ tàn sát thời Ottoman
Ngày 22/2, Hạ viện Hà Lan đã bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị công nhận cuộc thảm sát người Armenia hồi đầu thế kỷ 20 dưới thời đế chế Ottoman là “tội ác diệt chủng.” Động thái mới này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kế thừa đế chế Ottoman theo hiệp ước Lausane ký kết năm 1923.

Áo kiện EU về quyết định mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở Hungary

Ngày 22.2, Chính phủ Áo đệ đơn lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua kế hoạch mở rộng một nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia láng giềng Hungary. Bà Koestinger -Bộ trưởng Du lịch, Nông nghiệp và Bền vững Áo-nhấn mạnh quan điểm của Áo là năng lượng hạt nhân “không được phép có chỗ tại châu Âu,” đồng thời khẳng định Áo sẽ không thay đổi lập trường này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn