MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo chân cán bộ đi điều tra, đặt bẫy ảnh trong khu bảo tồn

HƯNG THƠ LDO | 08/03/2024 06:00

Mỗi chuyến đi điều tra, đặt bẫy ảnh trong khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có thể kéo dài đến 10 ngày. Việc đặt bẫy ảnh không chỉ tìm được các loài động vật quý hiếm, mà đôi lúc còn giúp phát hiện người vào rừng bẫy thú, xâm hại rừng tự nhiên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nằm phía Tây của tỉnh Quảng Trị được thành lập theo quyết định 479/QĐ-UBND ngày 14.3.2007 của UBND tỉnh Quảng Trị. Nơi này có tổng diện tích 23.456,72 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 21.473,29 ha. Trong ảnh là một khu rừng tự nhiên có các cây gỗ lớn và tre, vào lúc mặt trời sắp đứng bóng, nhưng ánh nắng chỉ len lỏi vào vì rừng khá rậm.
Khu bảo tồn rộng, có nhiều loài động vật quý hiếm, nên đơn vị này đã tiến hành đặt máy bẫy ảnh để điều tra về các loài. Việc đặt máy bẫy ảnh ở khu bảo tồn này bắt đầu triển khai từ năm 2021. Trong ảnh, cán bộ ở khu bảo tồn đi vào rừng, bắt đầu chuyến điều tra, bẫy ảnh đầu năm 2024.
Việc đặt máy bẫy ảnh được tiến hành theo 2 mục đích. Nếu điều tra tổng thể thì sẽ đặt máy bẫy ảnh theo dạng lưới ô vuông, vị trí các máy bẫy ảnh cách nhau khoảng 200-250m. Còn mục đích để xác định loài cụ thể, thì đặt máy bẫy ảnh theo tuyến, có thể là gần khe suối. Trước khi đi vào rừng, đoàn đặt máy bẫy ảnh xác định sẽ đặt máy để điều tra tổng thể, khu vực điều tra tổng thể đã được đánh dấu ở trên máy định vị cầm tay.
Khi xác định được vị trí đặt máy bẫy ảnh, các cán bộ sẽ dọn sạch một khu vực có diện tích khoảng 15 m2. Loại máy này có cảm biển nhạy, chỉ cần có chuyển động nhỏ sẽ ghi lại, nên để tiết kiệm pin và đem lại hiệu quả, cần dọn sạch các cây cỏ, tránh ảnh chụp không có dữ liệu.
Máy bẫy ảnh được buộc chặt vào 1 thân cây có đường kính nhỏ, nhưng chắc chắn và ít rung lắc. Loại máy này có lớp vỏ được ngụy trang, nên các loại động vật khó phát hiện ra.
Khi đặt máy bẫy ảnh, sẽ tránh hướng mặt trời mọc và lặn để khi các bức ảnh được chụp sẽ không bị ngược sáng. Máy bẫy ảnh có thời lượng pin cao, kéo dài đến khoảng 3 tháng. Sau khi được đặt, trong thời gian từ 2 đến 3 tháng, cán bộ ở khu bảo tồn sẽ không có mặt ở khu vực này, tránh tình trạng các loài động vật phát hiện, sẽ tránh xa.
Sau khi đặt xong máy bẫy ảnh, sẽ ghi lại tọa độ chính xác nơi đặt máy để thuận lợi cho quá trình kiểm tra.
Khu bảo tồn rộng, ở đơn vị này hiện có 40 chiếc máy bẫy ảnh, nên 1 chuyến đi đặt máy bẫy ảnh dài nhất là khoảng 10 ngày. Mỗi chuyến đi từ 5-7 người, họ chuẩn bị đầy đủ các loại vật dụng để có thể sinh hoạt, ăn uống trong rừng.
Trong ảnh, là gà lôi trắng được 1 máy bẫy ảnh ghi lại. Loại động vật này sinh sống trong khu bảo tồn, nhưng lâu nay chưa được phát hiện. Nhờ bẫy ảnh, gà lôi trắng mới được bổ sung vào danh sách các loại động vật ở nơi này.
Tương tự, loài khướu họng hung cũng được phát hiện nhờ máy bẫy ảnh, và loại này trước đây chưa có tên trong các loài động vật sinh sống ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Ngoài ra, các máy bẫy ảnh đã ghi lại rất nhiều loài động vật, như tê tê, sơn dương...
Ông Hà Văn Hoan (trái ảnh), Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết, trong quá trình đặt máy bẫy ảnh, ngoài việc điều tra việc phân bố, sinh sống của các loại động vật quý hiếm để có kế hoạch bảo vệ, máy bẫy ảnh còn phát hiện người dân vào rừng vì nhiều mục đích. Cũng nhờ máy bẫy ảnh, đơn vị này đã gọi nhiều người đến răn đe, xử lý việc vào rừng đặt bẫy thú, hoặc vi phạm lâm luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn