MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo chân những đoàn cứu trợ vào vùng lũ ở Tuyên Quang và Phú Thọ

Bài và ảnh: Tô Công LDO | 12/09/2024 12:13

Những đoàn cứu trợ mang theo nhu yếu phẩm đã trao tận tay người dân trong vùng lũ ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

8h sáng, đoàn cứu trợ với 6 người tại thị xã Phú Thọ đã chuẩn bị xong những nhu yếu phẩm cần thiết, với các loại bánh, sữa, mỳ tôm, lương khô, nước lọc, thuốc men... Cập nhật liên tục những thông tin về bão lũ, ai nấy đều sốt ruột, xông xáo muốn khởi hành càng sớm càng tốt.
Đoàn chia ra làm 2 tổ đi hai hướng khác nhau, xuất phát từ xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, một hướng đến huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, một hướng đến huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Do thời tiết có mưa, nhiều tuyến đường đèo núi, trơn trượt... phải mất nhiều giờ đồng hồ 2 tổ mới đến nơi.
Tại các vùng lũ nơi đoàn tới, rất nhiều ngôi làng bị chia cắt và ở xa đường lớn, việc tiếp cận không hề dễ dàng.
Nhìn cảnh những khu dân cư ngập trong nước lũ, ai nấy cũng phải xót xa.
Rất khẩn trương, đoàn cứu trợ cùng bắt tay vào phân chia các nhu yếu phẩm thành từng phần khác nhau.
Việc làm được nhiều người dân địa phương đồng tình ủng hộ, những người lạ với nhau bỗng chốc như những người quen. Bằng những chiếc bè tự chế, họ giúp nhau đưa các nhu yếu phẩm tới những người đang thực sự cần.
Anh Trần Văn Hùng (xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ) - một trong các thành viên của đoàn chia sẻ: “Chúng tôi nung nấu việc này từ nhiều ngày nay, thấy những hình ảnh trên báo đài, mạng xã hội về bão lũ, thực sự không thể kìm lòng, lúc nào cũng chỉ muốn đi ngay. Sau đó, mọi người cùng thống nhất, sắp xếp công việc để lên đường, ngày 13.9 chúng tôi sẽ tiếp tục đi thêm 1 lượt nữa".
Nụ cười ấm áp của người dân khi nhận được sự sẻ chia của cộng đồng.
Sau khi cơn bão đi qua, người dân tại các vùng lũ sẽ có rất nhiều việc phải làm để cuộc sống trở lại bình thường.
Những đoàn xe cứu trợ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, nối đuôi nhau đến giúp đỡ người dân vùng ngập lụt.
Những việc làm tử tế đó khiến chúng ta cảm động, tự hào vì khi đồng bào gặp nạn, ai cũng đều chung sức, chung lòng hướng về, đúng với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, "không để ai bị bỏ lại phía sau" và truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn