MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo chân những người lội bùn tái sinh rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng

PHƯƠNG ANH LDO | 04/10/2023 18:57

Sóc Trăng có diện tích rừng phòng hộ ven biển trên 6.788 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm khôi phục và bảo vệ rừng. Trong đó chú trọng công tác trồng mới gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ.

Trồng rừng phòng hộ ở Sóc Trăng được thực hiện quanh năm. Lực lượng chủ yếu là kiểm lâm, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là thành viên các tổ cộng đồng bảo vệ rừng ven biển.
Đều đặn mỗi ngày, các thành viên của Tổ trồng rừng xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) vượt qua khoảng 3km lớp bùn lầy lún hơn nửa gối, mang cây con ra bãi bồi để trồng.
Tận dụng thời điểm nước còn đầy, người dân sử dụng phao nổi để chở cây đến điểm tập kết.
Sau đó chờ đến lúc nước rút thì tiến hành trồng rừng.
Việc trồng rừng phải thực hiện khẩn trương. Thời gian trồng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ, khi nước dâng thì công việc này kết thúc.
Ông Sơn Túp ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: "20 năm trước, vùng bãi bồi Lạc Hòa này chỉ toàn là bùn đất kéo dài từ mé biển lên hàng cây số. Cây rừng thưa thớt, hầu như không có sinh vật nào sống được. Rồi chính quyền địa phương triển khai chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển, tôi đã tham gia cho đến ngày nay”.
Mọi người chia nhau từng công đoạn, từ đào hố đặt cây xuống bùn đến cắm cột tre, buộc dây để cho cây vững.
Khoảng 4 - 5 tháng trước khi tiến hành trồng, các thành viên của Tổ sẽ tiến hành đóng hàng rào tre để giảm sóng đánh trực tiếp vào thân cây con cũng như giữ phù sa ở lại.
Những ngày đầu của chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng, ông Kim Nạng ở Xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã có mặt trên các bãi bồi bất kể ngày nắng hay mưa. Ban đầu, ông nhận trồng đơn lẻ rồi tập hợp mọi người thành từng đội, đứng ra hợp đồng trồng rừng. Suốt mấy chục năm qua, ông và đồng đội đã giúp cho những cánh rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng ngày một nhiều hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống của những vùng đất ngập nước ven biển.
Ông Kim Nạng cho biết: “Mình trồng rừng là để lại cho con cháu về sau hưởng thụ lợi ích. Bởi trồng rừng vững đất, có rừng mới có nguồn lợi tự nhiên. Rừng ngăn sóng biển đánh vào đất liền, bảo vệ vùng đệm bên trong để bà con sản xuất”.
Nhiều năm qua, hàng trăm ha rừng phòng hộ đã được trồng mới thông qua các chương trình, dự án. Trong đó có Dự án Forest Symphony (thuộc chương trình Hạnh Phúc Xanh do Quỹ Sống bền vững triển khai) thực hiện chiến dịch “Trồng rừng vững đất” với mục tiêu trồng 50 ha rừng ngập mặn - 220.000 cây trong vòng 5 năm.
Từ năm 2021 - 2022, hơn 81.400 cây mắm, cây bần đã được chương trình Hạnh Phúc Xanh triển khai trồng.
Bên cạnh đó, chương trình vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc, giám sát và bảo vệ 18,5 ha rừng cũ, đồng thời tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng địa phương trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn.
Những cánh rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng cứ ngày một dày hơn và vươn dài ra phía biển.
Rừng thành những bức tường xanh che chở cho đất liền trước thiên tai, sóng giữ, mang lại cuộc sống bình yên, sung túc cho người dân ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn