MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không tấc đất cắm dùi, không giấy tờ hợp pháp, không điện, đường, trường trạm khiến cuộc sống của những hộ dân nơi đây khốn khó vô cùng. Ảnh: Khánh Linh

Theo dấu những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình

Khánh Linh LDO | 27/11/2022 09:09

Di chuyển từ các nơi khác đến vùng cao Hoà Bình để làm nương, rẫy và sống trong các căn nhà tạm bợ. Không điện, đường, trường, trạm, cuộc sống khốn khó cứ mãi đeo bám những người dân bản nghèo ở nơi đây.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua những con dốc dựng đứng và men theo con đường đất quanh co bám theo sườn núi, PV Báo Lao Động đã có mặt tại bản nghèo nhiều không, khu Suối Rằm, thuộc địa phận xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. 
Thông tin từ ông Lò Văn Thiên - Chủ tịch UBND xã Cun Pheo cho biết: "Khu dân cư Suối Rằm là nơi sinh sống 50 hộ người dân tộc Mông từ các địa phương du canh du cư tự do đến đây làm nương rẫy, canh tác nhờ trên những quả đồi thuộc diện tích của Công ty Xuất nhập khẩu Mai Bình".
Thoạt nhìn những ngôi nhà dột nát, đông không che được gió, hè không chắn được mưa, PV ngỡ đây chỉ là những chiếc lều canh nương. Đến khi vào trong mới thực sự tin đó là ngôi nhà.
Theo tìm hiểu của PV, trong số 50 hộ dân ở đây, 31 hộ với 167 khẩu (khu cũ) là người dân của xã Hang Kia, huyện Mai Châu xuống xâm canh từ những năm 1980. Còn lại, 19 hộ, 115 khẩu (khu mới) là người của xã Hua Nhàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đến ở vào năm 2015.
Với 19 hộ từ Sơn La xuống, vì du canh du cư tự do để đi tìm kế sinh nhai, nên ở quê cũ đã xoá hộ khẩu, nơi ở mới lại chưa nhập được; khiến họ thành những “người ngoài hành tinh“, không được hưởng chính sách của nhà nước, không có bảo hiểm y tế, con trẻ không được đi học.
"Năm 2016, chính quyền địa phương có đến vận động những người dân bản trở về địa phương. Tuy nhiên, họ có nguyện vọng ở lại đây nên UBND xã đã kiến nghị huyện Mai Châu xây dựng khu tái định cư để bà con ổn định" - vị Chủ tịch xã nói. 
 Trong ngôi nhà rộng hơn 30m2 dột nát của anh Thào A Pó (SN 1979) là nơi ở của 10 thành viên trong gia đình. Trong nhà chẳng có lấy  một đồ vật đáng giá. Không điện, không đường, không trường, không trạm, nước sinh hoạt cũng phải đi lấy ở khe suối cách nhà hơn 100m.
Anh Pó tâm sự: “Ở trên quê cũ đất đai bạc màu quá nay chỉ nên chúng tôi xuống đây canh tác. Nhà tôi trồng được 3ha lúa nương, năm nào được mùa thì no cả năm, nhưng năm nay chỉ được 30 tải thì ít nhất 3 tháng vợ con lại ăn đói“.
 Tương tự như nhà anh Pó, cuộc sống của những hộ dân ở đây chủ yếu trông chờ vào diện tích lúa nương, ngô và ít diện tích sắn. Không có nguồn thu nhập, lại đông con nên cái đói, cái nghèo mãi bủa vây. Ốm đau cũng phải đi khám ngoài phòng khám tư nhân do không có bảo hiểm y tế. 
Những đứa trẻ ở đây tất cả đều không được đi học mà theo bố mẹ lên nương, đi chăn bò thuê hoặc anh chị em tự ở nhà trông nhau.
 Anh Sồng A Gia (SN 1980) - trưởng khu bản mới chia sẻ: "Mới đây nghe nói sắp được chuyển xuống khu tái định cư, bà con ai cũng mừng, nhưng lại sợ không có đất canh tác".
Thấy lũ trẻ không được đi học, cũng không biết tiếng phổ thông, một cặp vợ chồng người Mường đi canh đất thuê cho gần đó đã tranh thủ dạy chúng những âm, vần cơ bản.
"Cũng muốn cho con đi học lắm chứ, nhưng giấy tờ thì không có, trường lại xa. Như nhà tôi hai đứa con, một cháu sinh năm 2018, một cháu 2019 đều chưa có giấy khai sinh" - người trưởng khu bộc bạch.
Trao đổi với PV, ông Lò Văn Thiên - Chủ tịch UBND xã Cun Phèo cho biết: “UBND xã Cun Pheo rất mong muốn khu tái định cư sớm được hoàn thiện và bàn giao mặt bằng để bà con ổn định cuộc sống và hoàn thiện các giấy tờ tuỳ thân để người dân được hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước“.   

This browser does not support the video element.

Cận cảnh cuộc sống ở bản nghèo nhiều không vùng cao Hòa Bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn