MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ phủ lò rèn vùng biên đỏ lửa phục vụ khách dịp Tết

Tân Văn LDO | 07/02/2024 06:00

Cao Bằng - Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại các hộ gia đình giữ nếp nghề rèn dao Phúc Sen luôn đượm lửa, tiếng quai búa vang rền.

Người dân xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng đã truyền tay nhau kinh nghiệm làm nghề rèn hàng trăm năm nay. Nơi đây mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc.
Nằm bên Quốc lộ 3, hướng TP Cao Bằng đi các huyện miền đông của tỉnh, những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đặt chân tới đầu xóm tiếng quai búa đã vang lên khắp bản làng. Thợ thủ công đang hối hả làm việc để kịp giao hàng đến tay người mua.
Để rèn thành công 1 con dao, có rất nhiều công đoạn nhưng quan trọng hơn cả là quá trình tôi thép và ram thép. Cách thực hiện hai công đoạn này người dân Phúc Sen có bí quyết riêng nên từ đó khẳng định được thương hiệu riêng cho mình.
Về hình thức, dao Phúc Sen có không được đẹp và bóng sáng như dao inox hay hàng ngoại nhập. Nhưng về chất lượng, dao rèn thủ công nơi đây luôn vượt trội về độ sắc bén, bền chắc.
Người thợ vừa ram thép, căn chỉnh một sản phẩm sắp hoàn thiện.
Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, gia tăng độ bền. Nước dùng trong quá trình tôi thép nơi đây cũng gồm nhiều thành phần chỉ địa phương mới có.
Quá trình mài bóng, tạo độ sắc bén cho sản phẩm cũng vất vả do tiếp xúc máy móc và tiếng ồn lớn.
Sau khi hoàn thiện lưỡi, chuôi và cán dao sẽ được người có kinh nghiệm thực hiện. Bởi cán dao quyết định khá nhiều đến thẩm mỹ cũng như độ thoải mái cầm nắm khi sử dụng. Nếu người thợ làm không tốt, sản phẩm có thể không bán được.
Thông tin từ UBND xã Phúc Sen, nghề rèn xóm Pác Rằng đã có từ rất lâu, nhờ nó mà người dân tại địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, địa phương đã được công nhận làng nghề, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh quảng bá để phát triển ngành du lịch công đồng. Toàn xã Phúc Sen hiện còn khoảng 200 hộ đang hoạt động sản xuất nghề rèn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn