MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thức khuya, dậy sớm vất vả mưu sinh những ngày cuối năm

Chân Phúc LDO | 31/12/2020 10:30

Để có cái Tết thật tươm tất, thời điểm này nhiều người lao động phải tất bật tăng ca, chạy đua với thời gian, vất vả mưu sinh ngoài đường phố để có thêm thu nhập chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần.

Thời điểm Tết Nguyên đán đến gần cũng là thời điểm mà những người lao động nghèo đối mặt với nhiều nỗi lo nhất. Với mong muốn có thêm được cân thịt, cân nếp trong 3 ngày Tết, họ - những người lao động nghèo phải tất bật tăng ca, chạy đua với thời gian, sẵn sàng làm việc nhiều giờ/ngày bất kể thời tiết thế nào để mong có thêm thu nhập.
Ông Minh An, làm nghề sửa giày trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) cho biết, Tết là thời điểm mà ông vất vả nhất trong năm. Bởi để có một cái Tết gọi là tươm tất đối với những người lao động nghèo, thu nhập thấp là điều không hề đơn giản.
“Bình thường tôi ra đây ngồi làm việc từ 9 giờ sáng tới 16 giờ chiều là về, nhưng thời gian này nhiều hôm cũng phải tranh thủ đi sớm về muộn, kiếm thêm để có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống, lo cho cái Tết sắp đến", ông Minh An chia sẻ.
Không ngại khó khăn, người lao động tất bật tăng ca thêm nhiều giờ/ngày để có thêm thu nhập. Hình ảnh người bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TPHCM) lúc đêm muộn những ngày cuối năm.
Bà Ba Sương (74 tuổi, quê Bình Định) thường xuyên ngồi bán hàng đến 23 giờ hàng ngày trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TPHCM) để có thêm thu nhập, chuẩn bị về quê đón Tết cùng người thân.
Người đàn ông đang cố tìm những gì có thể bán được trong đống rác thải được người ta bỏ đi bên đường Tạ Quang Bửu (quận 8) giữa thời tiết nắng nóng.
Không chỉ những người lao động tự do, chị Trần Thị Lệ Hằng (45 tuổi, Bình Định) đang làm việc cho một công ty ở quận Thủ Đức tỏ ra lo lắng khi năm vừa qua ảnh hưởng dịch bệnh, đơn hàng giảm nên thu nhập của chị cũng bị giảm, trong khi chị đang phải một mình nuôi con nhỏ.
Thời gian vừa qua, mỗi tháng thu nhập của chị được khoảng 7 - 8 triệu đồng, trừ chi phí ăn ở, và gửi về quê 3 triệu đồng/tháng nuôi con khiến chị không để dành ra được khoản nào. "Giờ chỉ mong công ty thưởng Tết cao thì may ra mới có tiền để về quê đón Tết với con", chị Hằng tâm sự.
Nhiều người hành nghề xe ôm vẫn cố nán lại ngoài đường, chợp mắt tạm ngay trên xe trong lúc chưa có khách. Hình ảnh ghi nhận tại khu vực Công viên Âu Lạc và đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn