MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực trạng vỉa hè, lòng đường TPHCM trước khi được kẻ vạch cho thuê

MINH QUÂN LDO | 20/09/2023 14:50

TPHCM - Các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè sẽ được kẻ vạch cho thuê từ năm 2024. Trước khi áp dụng chính sách cho thuê, tình trạng lấn chiếm, tận dụng vỉa hè, lòng đường để làm bãi giữ xe, buôn bán diễn ra tràn lan ở TPHCM.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 20.9, vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh và Thuận Kiều quanh Bệnh viện Chợ Rẫy (Quận 5) được lắp rào chắn bằng thép làm lối đi cho người đi bộ, ngăn hàng rong, xe cộ lấn chiếm. Tuy nhiên, sau đó phần vỉa hè này đã thành nơi giữ xe máy với 10.000 đồng/chiếc.
Gần như toàn bộ vỉa hè được tận dụng để giữ xe máy, người bệnh và thân nhân ra vào Bệnh viện Chợ Rẫy phải đi dưới lòng đường.
Cách bệnh viện Chợ Rẫy không xa, trên đường Lê Đại Hành (Quận 11), một dãy cửa hàng đặt biển chào bán thức ăn, nước uống tràn ra lòng đường, gây cản trở cho việc đi lại của người đi bộ và các phương tiện qua lại.
Một số người dân bày bàn ghế từ vỉa hè xuống lòng đường để buôn bán trên đường Lê Đại Hành (Quận 11).
Ghi nhận trên đường đường Lý Thường Kiệt, đoạn trước Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5), toàn bộ vỉa hè bị trưng dụng làm bãi giữ xe thu phí, chiếm hết lối đi.
“Đoạn đường này, giờ nào cũng lộn xộn như vậy, vỉa hè thì bị rào chắn để xe máy, còn dưới đường taxi dừng đỗ để đón khách. Người đi bộ phải đi ra giữa đường” - ông Mai Văn Hiểu (56 tuổi) hành nghề xe ôm gần Bệnh viện Hùng Vương, nói.
Mục đích ban đầu của Quận 5 khi rào chắn vỉa hè là dành lối cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè bị trưng dụng để làm bãi giữ xe máy, còn người đi bộ phải đi dưới lòng đường.
Ở khu vực xung quanh chợ Bến Thành (Quận 1), nhiều người tận dụng vỉa hè, lòng đường để làm bãi giữ xe thu phí với 20.000 đồng/chiếc. Trên đường Phan Chu Trinh, các các bãi giữ xe không chỉ lấn chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ mà còn chiếm luôn khu vực đỗ xe ôtô có thu phí.
Đường Nguyễn Trãi (Quận 5) là một trong những con đường thường xuyên xảy ra tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè. Theo ghi nhận, vỉa hè đã bị “nuốt trọn” bởi những sạp hàng bán nón bảo hiểm.
Người dân bày bán hàng hóa tràn lan trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Phường 12, Quận 5). Chiều 19.9, HĐND TPHCM biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Theo đó, TPHCM sẽ bắt đầu thu phí lòng đường, vỉa hè từ ngày 1.1.2024. Mức phí được dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Vỉa hè, lòng đường khu vực Hồ Con Rùa (Quận 3) thường xuyên bị các quán cà phê chiếm dụng để giữ xe cho khách. Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, quan điểm là ưu tiên những hộ gia đình có vỉa hè trước mặt nhà được thuê để kinh doanh. Ai có nhu cầu thuê để kinh doanh hoặc giữ xe thì phải đăng ký với quận, huyện, xác định diện tích, sơn kẻ vạch cụ thể. Nếu nhà nào không có nhu cầu sẽ để trống, không để tình trạng lấn chiếm, xung đột lợi ích giữa người khác đến thuê và người dân đang ở.
Vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (Quận 1) bị lấn chiếm để bàn ghế buôn bán. Hiện Sở GTVT và các địa phương đang rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Khi khảo sát các tuyến, ưu tiên lớn nhất vẫn là vỉa hè phải đảm bảo còn đủ 1,5m cho người đi bộ.
Sau khi tính toán lại, Sở GTVT TPHCM dự kiến mỗi năm, nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè gần 800 tỉ đồng (thấp hơn con số 1.500 tỉ trong dự thảo đề án trước đó). Sở GTVT TPHCM đang xây dựng công cụ, phần mềm quản lí và cấp phép cho thuê lòng đường, vỉa hè. Người dân có thể giám sát trực tiếp qua ứng dụng để biết những khu vực có phép hay không, phương án sử dụng thế nào, đã đóng phí hay chưa. Hình thức thu phí ưu tiên thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế sử dụng tiền mặt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn