MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tình thương bên trong "nhà một vú" của những bệnh nhân ung thư

Chân Phúc LDO | 13/04/2022 14:48

TPHCM - Ngôi nhà có địa chỉ 7/47 Xa Lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) đang là nơi sinh sống của hơn 20 phụ nữ mắc bệnh ung thư.  Ngôi nhà này được bà Nguyễn Thị Phượng (57 tuổi) thuê lại để cùng các chị em bị ung thư khác sinh sống.

Ngôi nhà này do bà Nguyễn Thị Phượng - Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thuê lại cách đây gần 1 năm trước. Tại đây hiện có 20 người phụ nữ mắc ung thư sinh sống.
Những người phụ nữ này ở nhiều độ tuổi khác nhau, ở nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng họ đều là những bệnh nhân bị ung thư, qua quá trình chữa bệnh trong bệnh viện, gặp nhau rồi kết bạn, và rồi về ở chung nhà.
Bà Phượng (áo hồng) cho biết, ngày trước bà có 1 căn nhà do bố mẹ để lại, năm 2019 bà phát hiện ung thư, thời gian sau bà bán căn nhà đi để lấy tiền chữa bệnh. Giữa năm 2021 bà thuê căn nhà này. "Trước đây, tôi chỉ thuê có 1 nửa ngôi nhà này nhưng sau đó, các chị em đến ở đông hơn, nên tôi thuê hẳn cả ngôi nhà cho rộng rãi, đón được nhiều chị em về ở cùng", bà Phượng nói.
Nói về cái tên "nhà một vú" bà phượng cho biết do 20 chị em sinh sống nhưng mỗi người đều bị cắt bỏ 1 bên vú nên "nhà một vú" cũng từ đó hình thành. Theo bà Phượng, những người đến đây ở là những người có điều kiện kinh tế không mấy dư dả, thường đi một mình từ tỉnh lẻ vào TPHCM chữa bệnh. Những thành viên có kinh tế hơn sẽ đóng góp 100.000 đồng/ngày để làm sinh hoạt phí, còn đối với những chị em có hoàn cảnh khó khăn thì được bà Phượng giúp đỡ, không lấy tiền. 
"Bố mẹ không còn, cũng không có chồng con, những ngày này có thêm những người chị, người em như này tôi vui lắm. Chúng tôi sống ở đây thân nhau như chị e ruột trong nhà, cùng buồn, cùng vui, cùng ca hát,... rồi động viên nhau cố gắng vượt qua những cơn đau, cố gắng chữa bệnh để sớm được về đoàn tụ với gia đình. Thật sự giờ tôi không sợ chết nữa, tôi chỉ sợ, một ngày nào đó tôi chết đi thì ngôi nhà này không được duy trì nữa, không có ai lo cho chị em", bà Phượng trăn trở.
Bà Võ Thị Mỹ Duyên (ở giữa) - đầu bếp chính tại "nhà một vú" cũng là một bệnh nhân ung thư gắn bó với ngôi nhà từ những ngày đầu cho biết, bà phát hiện ung thư từ năm cuối năm 2018, sau ngày phát hiện bệnh bà khăn gói vào bệnh viện ung bướu ở rồi gặp gỡ các chị em khác. 
"Từ ngày gặp gỡ chị em, tôi thấy cuộc sống mình vui hơn nhiều, bệnh tình cũng thuyên giảm đi nhiều, giờ đây sức khỏe ổn định hơn, người thân muốn tôi về nhà ở để nghỉ dưỡng nhưng tôi vẫn muốn ở lại đây để có thể phụ giúp các chị em đi chợ, nấu ăn", bà Duyên chia sẻ.
Bà Hai Lệ (65 tuổi, quê Tiền Giang) đã điều trị ung thư hơn 3 năm nay tại Bệnh viện ung bướu. Thời gian 3 năm chữa bệnh tại TPHCM cũng là 3 năm bà ngủ hành lang, ăn cơm từ thiện, và ngày ngày rảo bước chân đi bán những tờ vé số lấy tiền sinh hoạt, chống chọi với căn bệnh đang mang trên người. "Mấy tháng trước may mắn biết đến căn nhà này rồi từ đó chuyển về đây sống, được các chị em ở đây cưu mang, quan tâm nên đỡ được phần nào", bà Hai Lệ chia sẻ.
Được biết, mới đây bà Phượng đã nhờ luật sư đến, bà quyết định chuyển toàn bộ tài sản còn lại của bản thân làm của chung cho "nhà một vú", để sau này dù bà có còn hay không thì "nhà một vú" sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, những chị em hoàn cảnh tương tự có chỗ nương tựa, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn