MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tò mò cách làm đèn kéo quân đón Trung thu từ nghệ nhân ở Cao Viên, Hà Nội

Hà Phương - Văn Thắng LDO | 10/09/2018 12:15

Mỗi dịp Trung thu về, gia đình ông Vũ Văn Sinh (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật làm đèn kéo quân bán đi khắp tỉnh thành trong cả nước với mong muốn trẻ con được chơi những đồ truyền thống của dân tộc.

 Hàng năm, cứ mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Sinh lại bận rộn hơn ngày thường khi các đơn hàng đặt đèn kéo quân từ Hà Nội và các tỉnh liên tục đến. Để đáp ứng lượng đặt hàng, ông Sinh và các thành viên trong gia đình phải làm việc cả ngày.
 Khung đèn có hai loại, loại làm nan tre gắn với giấy poluya chơi được một tuần và loại làm bằng gỗ, vải tốt giữ được rất lâu.
 Đèn kéo quân gồm 3 bộ phận chính. Khung ngoài làm bằng bìa cứng, các-tông, nhựa... Lồng quay bên trong làm bằng giấy mềm và nhẹ như giấy bóng mờ, giấy can, giấy màu mỏng… (nay có thể cải tiến thành 1 lớp nhựa hoặc vải mỏng). Lồng quay trang trí hình ảnh để khi quay tạo thành hình ảnh chuyển động (kéo quân).
 Trong 3 bộ phận tạo thành đèn kéo quân, khó nhất là làm trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để quay được, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Ông Sinh dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn. Công đoạn này phải người thợ phải khéo tay, thạo việc mới làm chuẩn được. 
Dù làm nghề làm đèn kéo quân không giúp kinh tế gia đình ông Sinh được cải thiện, nhưng bao nhiêu năm nay, ông Sinh vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống của dân tộc.
 Tán đèn phải cắt đều thì mới tạo ra được đối lưu không khí ở trong đèn. Nhờ vậy mà những hình ảnh trong đèn mới có thể chuyển động được.
Say mê với nghề truyền thống, ông Sinh cũng không ngừng tìm tòi và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm đẹp mắt hơn và tiện lợi hơn.
Các hình ảnh trên đèn thường thể hiện tinh thần yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc, như các tướng sĩ xung trận, tháp rùa, hình các chiến sĩ cách mạng, ông trạng vinh quy bái tổ, tứ linh nhảy múa…  
 Hai đứa cháu của ông Sinh tranh thủ ngày nghỉ học cũng giúp ông làm đèn bằng cách vẽ các con vật ngộ nghĩnh.
Em Hoàng nói: "Sau này lớn lên, nhất định cháu sẽ trở thành nghệ nhân giống ông nội".
 Mặc dù chiếc đèn kéo quân không quá xa lạ với Hoàng nhưng mỗi dịp trung thu đến em vẫn luôn háo hức thắp đèn đi chơi.
Tết trung thu năm nay, Hoàng cùng bao trẻ nhỏ trên cả nước sẽ được rước những chiếc đèn kéo quân do chính tay ông Sinh làm ra. Nhưng không biết những mùa trung thu tiếp ai sẽ là người thắp, giữ lửa cho chiếc đèn kéo quân truyền thống ấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn