MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trại Phong Đá Bạc: Nơi có những đoàn tình nguyện không tên

Phan Anh LDO | 22/04/2018 06:00

Trại phong bỏ hoang Đá Bạc (Xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) vào một ngày cuối tuần. Khác với khung cảnh hoang tàn, lạnh lẽo hơn một năm về trước, nơi đây tấp nập tiếng cười nói của các cụ bên nhiều bạn trẻ có tấm lòng hảo tâm.

Bệnh phong (hủi) từng bị coi là một trong những bệnh đáng sợ nhất của con người. Người bị bệnh phong chịu sự hắt hủi của xã hội, sự ghẻ lạnh của người thân, thậm chí bị ngược đãi.

Năm 2013, trại phong Đá Bạc được dời đi nơi khác. Vì sức khỏe không cho phép, lại mong thỉnh thoảng được con cháu tới thăm nên nhiều người không chuyển đi. Từ đó, họ sống leo lắt trong sự lãng quên và lạnh lẽo. Sau khi được báo chí đưa tin, chắc hẳn nhiều người sẽ rất vui mừng khi chứng kiến sự quan tâm của cộng đồng với họ, đặc biệt là giới trẻ.

Nhiều bạn trẻ không trong tổ chức nào, với mong muốn giúp đỡ người khác đã liên kết với nhau tổ chức ra những chuyến tình nguyện ý nghĩa. Khi được hỏi tên của nhóm, các bạn chỉ cười: “Nhóm chúng mình không có tên”.

Những món quà các bạn trẻ chọn lựa là nhu yếu phẩm, bánh kẹo, quần áo và trên hết là tình người, sự quan tâm. Chỉ trong ngày 21.4.2018, có bốn đoàn tình nguyện gồm các bạn sinh viên đến từ các trường đại học quanh Hà Nội đến thăm trại phong Đá Bạc.

Những mảnh vườn bị lấp kín bởi cỏ dại được phát quang.
 
Vì các cụ không có khả năng mua bán, nhiều bạn trẻ đã cuốc đất trồng rau.
Vườn su su sai trĩu quả được các bạn tình nguyện viên trồng trước đó.

Bạn Việt Nga, sinh viên trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền chia sẻ: "Mình đã từng đến đây một lần trong chuyến đi cùng đội tình nguyện xung kích AJC. Mình có cảm giác như các cụ là ông bà, người thân của mình vậy. Đó là lí do mình muốn thường xuyên đến thăm nom. Quà cáp không nhiều, chỉ những đồ dùng hàng ngày, bữa cơm, câu chuyện. Nhưng nếu không thăm chỉ lo các cụ cứ sống leo lắt như vậy. Gần đây nhiều người biết và đến thăm nên mình mừng lắm."

Những bức tường loang lổ ngày nào đã được “biến hóa” đầy sức sống.
Không còn bác sĩ, phòng khám năm xưa trở thành nơi nấu ăn hàng ngày.
Các bạn tình nguyện viên thường mang thức ăn tới nấu nướng và dùng chung với các cụ.
 
Bữa ăn được chuẩn bị kỳ công tràn ngập tiếp cười, tiếng hát.
Dù đến từ nhiều trường khác nhau, nhưng khi gặp gỡ các bạn tình nguyện viên vui vẻ sinh hoạt như người trong gia đình.

"Gần đây nhiều đoàn đến thăm chúng tôi nên vui lắm. Hôm nay có các cháu từ trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Dược Hà Nội… Mọi người chủ yếu đến vào cuối tuần. Mai lại có hai đoàn nữa đến. Hạnh phúc lắm! " - Cụ Nguyễn Thị Sợi chia sẻ.

Sự quan tâm, động viên của những đoàn tình nguyện không tên từng bước xóa đi khoảng cách, giúp những mảnh đời nơi đây được hưởng tình người ấm áp những năm tháng tuổi già.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn