MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
100 năm qua, cây khóm Cầu Đúc vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở Hậu Giang

Trăm năm vương quốc khóm Cầu Đúc

PHƯƠNG ANH LDO | 03/10/2023 17:40

Khóm Cầu Đúc - đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Trải qua 100 năm với biết bao thăng trầm cây khóm vẫn mang về nguồn thu nhập khá cho nhiều nông hộ và trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang.

Theo nhiều người dân, khóm Cầu Đúc xuất hiện trên vùng đất phèn mặn xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) cách đây trên 100 năm. Người dân nơi đây thấy giống tốt nên nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Từ vài rẫy khóm ban đầu, đến nay toàn tỉnh có khoảng 3.000ha.
Ông Phạm Văn Diện - Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến (Vị Thanh, Hậu Giang) đã gắn bó với cây khóm hơn 40 năm - cho biết: “Tại vùng đất nhiễm phèn mặn chỉ có cây khóm là trụ vững. Cũng nhờ khóm mà người dân nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên khá giàu. Trung bình 1ha cho năng suất 20 tấn (tương đương 20.000 trái). Giá bán từ 5.000 - 13.000 đồng/trái. Trừ chi phí người trồng lãi khoảng 150 triệu đồng/ha”.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), được trồng vào đầu mùa mưa, sau một năm cây cho thu hoạch. Mỗi năm thu hoạch 3 đợt trái. Trái có dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu. Điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu khóm Cầu Đúc là vị ngọt thanh, thịt màu vàng, ít xơ, ít nước.
Để nguồn hàng không bị gián đoạn, những năm gần đây bà con còn áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra trái quanh năm nên hiệu quả kinh tế đạt được rất cao.
“Gia đình vừa thu hoạch 1ha khóm lần thứ 5 trong năm với năm suất 1.620 trái, bán với giá 12.000 đồng/trái, thu nhập gần 20 triệu đồng”, ông Đoàn Văn Chiêu - một hộ dân ở xã Hỏa Tiến (Vị Thanh, Hậu Giang) - vui vẻ cho biết.
Thị trường tiêu thụ khóm nhiều nhất hiện nay là các tỉnh, thành miền Tây, Đông Nam Bộ. Khóm Cầu Đúc còn xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu khi đã để chế biến thành nhiều mặt hàng (nước ép, sấy khô, kẹo, rượu, nước giải khát).
Thành phố Vị Thanh có diện tích trồng khóm nhiều nhất tỉnh Hậu Giang với 2.800ha. Địa phương đã thành lập nhiều Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm. Nơi đây cũng đã hình thành nên Làng du lịch cộng đồng “Cánh Đồng khóm Cầu Đúc” tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Khóm là một trong loại nông sản chủ lực theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng khóm 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm.
Nghề trồng khóm còn tạo việc làm quanh năm cho hàng ngàn lao động nông thôn với công việc như trồng, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển khóm,...
Hiện nay phần lớn diện tích khóm Cầu Đúc được canh tác theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGap, ClobalGap. Ông Phạm Văn Diện - người đã mạnh dạn thực hiện canh tác khóm theo phương pháp hữu cơ ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) - cho biết: "Mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm khóm sạch, an toàn chất lượng. Với phương pháp này còn bảo vệ được môi trường đất, nước và sức khỏe con người".
Tận dụng diện tích mặt ao trong ruộng khóm, nhiều bà con còn thả cá, tôm, trồng lúa để giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.
Hiện Hậu Giang có 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được chế biến từ khóm Cầu Đúc như rượu khóm, nước màu khóm, mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm, siro khóm, siro khóm củ dền và siro khóm củ gừng,..
Nguyên liệu khóm dồi dào cũng là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu dệt vải, đây sẽ là một tiềm năng mới của tỉnh Hậu Giang trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
100 năm nghề trồng khóm trải qua bao thăng trầm nhưng trái khóm Cầu Đúc vẫn mang lại vị ngọt trở thành đặc sản mang về thu nhập ổn định cho nông dân tỉnh Hậu Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn