MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trang nghiêm Lễ tế Âm hồn bắt nguồn từ thời nhà Nguyễn

NGUYỄN LUÂN - THANH THẢO LDO | 11/07/2023 14:33

HUẾ - Lễ tế Âm hồn thường niên tại Huế vào ngày thất thủ Kinh đô 23 tháng 5 âm lịch được xem là ngày cúng cô hồn lớn nhất trong cả nước. Việc làm này đã thể hiện được tình đồng bào, tính nhân văn sâu sắc của người dân xứ Huế nhằm tưởng nhớ hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong sự kiện thất thủ Kinh đô năm 1885.

Ngày 11.7, tại Đàn Âm hồn, tọa lạc số 73 đường Ông Ích Khiêm (phường Thuận Hòa, TP. Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ tế Âm hồn, nghi lễ thường niên được xem là ngày cúng cô hồn lớn nhất cả nước.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đàn Âm hồn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô 23.5 âm lịch năm Ất Dậu (tức 5.7.1885).
Lễ tế Âm hồn là một lễ tế truyền thống tốt đẹp của Việt Nam đã từng diễn ra trong lịch sử, đặc biệt là dưới triều Nguyễn ở Huế, đề cao những giá trị nhân văn, chủ yếu là hình thức gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên.
Hoạt động lễ tế nhằm tưởng nhớ đến hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống bởi súng đạn của người Pháp trong sự kiện biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885.
Theo đó, Lễ tế Đàn Âm hồn gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy; Lễ Thướng hương; Lễ Sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu); Lễ Đọc chúc; Lễ Hành Á hiến (dâng rượu lần thứ hai); Lễ chung hiến (dâng rượu lần thứ ba); Lễ Dâng trà; Lễ Hóa văn tế.
Trong đó, lễ tế được tổ chức với lễ vật gồm trâu, dê, lợn, cháo hoa, xôi, chè,… cùng các bài vị của Thổ công (thần đất), bài vị của nam phụ lão ấu, binh sĩ…
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì lễ tế theo nghi thức triều Nguyễn xưa gồm: Lễ quán tẩy (rửa tay), lễ thượng hương (dâng hương), lễ hiến tước (dâng rượu)...
Lễ tế được phục dựng bài bản với các nghi lễ chính theo nghi thức thời nhà Nguyễn.
Những bài cổ nhạc dùng trong nghi thức tế Đàn Âm hồn của triều Nguyễn ngày xưa được tấu bởi đội nhã nhạc cung đình Huế.
Lễ đọc chúc văn hồi tưởng về ngày Kinh đô Huế thất thủ và sự ra đời của đàn Âm hồn.
Đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đơn vị tại địa phương dâng hương sau lễ tế.
Đốt vàng mã kết thúc buổi Lễ tế Âm hồn.
Với ý nghĩa đề cao nghĩa cử cao đẹp trong nhận thức, hành động cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Truyền thống quý báu đó là cội nguồn, sức mạnh đoàn kết tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn